Nỗ lực chống dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Sự chung tay và chia sẻ của mọi người dân đã giúp Việt Nam đối phó hiệu quả với Covid-19
Đoàn kết và niềm tin đã làm nên “sự thần kỳ” của một quốc gia nhỏ bé
Liên tiếp trong những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam có xu hướng giảm. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang lan rộng trên thế giới. Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 17-4, cả thế giới đã ghi nhận 2.152.647 người nhiễm bệnh, trong đó ít nhất 143.802 người tử vong. Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất toàn cầu và hệ thống y tế ở nhiều bang đã rơi vào tình trạng quá tải.
Thành công của Việt Nam khiến thế giới cảm phục và đánh giá cao. Trên trang báo mạng Asialyst, chuyên gia người Pháp Jean-Raphaël Chaponnière cho rằng Việt Nam đã tạo nhiều ngạc nhiên khi là nước chỉ chịu tác động “nhẹ” của dịch Covid-19, mặc dù là quốc gia có chung đường biên giới hơn 1.000 km với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch Covid-19 và là một trong số những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Theo ông Chaponnière, vai trò năng động của Chính phủ Việt Nam qua việc phản ứng quyết liệt ngay khi có những ca Covid-19 đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã giúp Việt Nam thành công chống dịch bệnh, trong khi hệ thống y tế không tốt bằng các nước như Pháp, Anh, Mỹ, phương tiện tài chính hạn chế. Còn theo ông Park Kidong, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, sự vào cuộc từ rất sớm của Chính phủ Việt Nam là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống Covid-19. Sự phản ứng nhanh chóng và kiên quyết hơn của Việt Nam so với nhiều nước khác trước sự bùng phát của dịch bệnh đã giúp Việt Nam thành công.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi kết quả một cuộc khảo sát do trang daliaresearch.com thuộc tổ chức Dalia (trụ sở tại Berlin, Đức) thực hiện cho thấy Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ ứng phó dịch Covid-19 cao nhất trong số 45 quốc gia được khảo sát. Sự tin tưởng của người dân vào Chính phủ đã giúp thúc đẩy ý thức trách nhiệm của họ và để người dân hợp tác với Chính phủ. Từ đó, những hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang… đã lan tỏa trong cộng đồng.
Hãng tin Đức DPA thì cho rằng Việt Nam đối phó thành công với Covid-19 là do sự đoàn kết một lòng của toàn xã hội. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các trường học được đóng cửa từ tháng 1, thực hiện khoanh vùng và cách ly rộng rãi từ ngày 16-3, hàng chục nghìn người nhập cảnh Việt Nam từ các vùng dịch đã được đưa đến các khu cách ly.
Báo Argentina thì ca ngợi sức mạnh đoàn kết và niềm tin gần như tuyệt đối vào sự lãnh đạo chính trị từ phía người dân Việt Nam đã làm nên “sự thần kỳ” của một quốc gia nhỏ bé. Qua đó, báo nhấn mạnh Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về công tác phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, một hình mẫu cho thế giới.
Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với mức độ thiệt hại ít hơn các nước khác
Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP trong quý I-2020 chỉ đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng Đông Á đang gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào trong ngành sản xuất. Xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn trong bối cảnh các nước đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Sự đình trệ trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cũng đang gây thiệt hại cho nền kinh tế sôi động của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh là thách thức không nhỏ với Việt Nam. Nhưng trước hết là phải chống dịch thành công và trong mục tiêu này, Việt Nam được dư luận thế giới tin tưởng. Truyền thông quốc tế đã nhiều lần nhắc lại khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra như một minh chứng cho tinh thần quyết liệt chống dịch ở Việt Nam. Đây cũng được coi như lời hiệu triệu khơi dậy ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam.
Trang Financial Times (Anh) gọi đây là “cuộc tổng tấn công” chống Covid-19 mà Việt Nam huy động cả xã hội tham gia với sự chung tay của đội ngũ y, bác sĩ và quân đội, đồng thời có sự ủng hộ của người dân. Bài viết trên trang liberationnews.org (Mỹ) thì đề cập tinh thần hợp tác của người dân Việt Nam bắt nguồn từ một hệ thống xã hội nhấn mạnh vào nỗ lực tập thể và sự thống nhất của các quyết sách.
Trên thực tế, với tinh thần không chủ quan, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Việt Nam luôn kiên định với các chiến lược đã đề ra: Ngăn chặn, phát hiện nhanh; cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả; có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở phòng, chống dịch thành công, bảo đảm sự ổn định căn bản, lâu dài về việc làm và an sinh xã hội.
Nhờ đó, cho đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị đạt kết quả, chưa có trường hợp tử vong... Trong khó khăn, thử thách do dịch bệnh gây ra, sự gắn kết, đồng lòng trên dưới, giữa người dân với Đảng, Chính phủ càng thêm gắn bó.
Trong khi người dân bày tỏ sự tin tưởng vào các biện pháp mà Chính phủ đưa ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng cảm ơn toàn dân khắc phục khó khăn, ủng hộ và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc cách ly toàn xã hội và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, đem lại kết quả rất tích cực, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra.
Đó là cơ sở để báo chí thế giới nhận định Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với mức độ thiệt hại ít hơn các nước khác. Trang East Asia Forum cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự kiến giảm xuống 4,9%, song Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, và có lẽ trên thế giới, vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng tích cực.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì nhận định Việt Nam vẫn là nền kinh tế “đặc biệt mạnh mẽ” trong vùng. Trong khi đó, việc Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các lợi thế truyền thống là lao động giá rẻ, chính trị ổn định và vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc. Giãn cách xã hội cũng đang giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi đất nước sang nền kinh tế kỹ thuật số. Đây được Chính phủ coi là trụ cột của tăng trưởng bền vững.