Ngày 19/7 tại ĐHQGHN đã diễn ra lễ công bố chính thức việc khởi động hệ thống và cơ chế đánh giá, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA).
Tại buổi lễ này, Đại diện AUN-QA cho biết hệ thống đánh giá với 50 tiêu chí và 11 tiêu chuẩn, chủ yếu tập trung vào chất lượng đầu ra.
Đại diện AUN-QA cho biết “Phương châm đánh giá chất lượng trường đại học của AUN là coi trường đại học là một tổng thể, trong đó có chiến lược, hệ thống và vận hành về đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ.
Khung đảm bảo chất lượng này được hoàn thiện qua 2 lần chỉnh sửa. Bản chỉnh sửa lần 2 đã được điều chỉnh đảm bảo chất lượng mang tính xuyên quốc gia, thúc đẩy trao đổi sinh viên và giảng viên giữa các nước, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học”.
Mạng lưới Đảm bảo chất lượng (AUN-QA) thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được được thành lập vào năm 1998, vai trò là đầu mối điều phối hoạt động và liên tục cải tiến chất lượng đào tạo của các trường đại học ở Đông Nam Á.
AUN-QA đã chọn trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là trường đầu tiên thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng này, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2017.
Dự kiến đến cuối năm 2016, AUN-QA sẽ tiến hành đánh giá được tổng số 220 chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học, thông qua 98 đợt đánh giá tại 28 trường đại học ở 8 quốc gia Đông Nam Á.
Trong đó Việt Nam có 61 chương trình đào tạo đại học và sau đại học sẽ được đánh giá thông qua 32 đợt đánh giá, riêng ĐHQGHN có 18 chương trình được kiểm tra bởi AUN-QA
ĐHQGHN đã tham gia các chương trình của AUN-QA từ nhiều năm trước, Tháng 12/2009, chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là chương trình đào tạo bậc đại học đầu tiên của Việt Nam và là chương trình thứ 6 của các trường đại học thuộc khối ASEAN được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN-QA.
Nếu so sánh giữa tiêu chuẩn của Việt Nam và chuẩn AUN-QA, thì để đáp ứng yêu cầu của AUN-QA cần có thêm 26 tiêu chí nữa.
Vì thế việc tham gia AUN-QA sẽ bắt buộc giáo dục Việt Nam sẽ có những tiêu chí thay đổi nhằm hòa vào trào lưu giáo dục tiên tiến trong khu vực, là cơ hội giúp giáo dục Việt Nam có thêm một bước tiến nữa