Tiềm năng lớn trong ngành lâm nghiệp
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành quả to lớn.
Nhiều chỉ tiêu đã đạt được rất cao, góp phần cho ngành NN&PTNT cũng như đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Điển hình như tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%; giá trị sản xuất tăng ổn định ở mức 4,6%, có năm cao hơn 6%; kim ngạch xuất khẩu liên tục lập kỷ lục, trong đó năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng gần 11.000 tỷ đồng và xuất siêu gần 40 tỷ USD trong 3 năm gần nhất.
Theo Thứ trưởng, năm qua Việt Nam lần đầu tiên bán được trên 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Nước ta cũng nằm trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon, đứng thứ 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này.
Cục Lâm nghiệp tính toán dựa trên tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon và diện tích rừng hiện nay nhận định, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.
Ngành lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng với đơn giá 5 USD/tín chỉ. Đây là một con số lớn, tương đương nguồn đầu tư công hàng năm của ngành.
Bước sang năm 2024 và các năm tới, ngành lâm nghiệp cũng đang đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen nhau trong bối cảnh, tình hình mới cả trong nước và quốc tế. Trong số đó, có những thay đổi từ các quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đất đai 2024; Kết luận 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13; các quy định mới về thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, thực hiện Quy định không phá rừng của liên minh châu Âu – EU (EUDR), triển khai các quy định về tín chỉ carbon rừng…
Hướng tới kinh tế tuần hoàn
Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục. Tuy nhiên cách thức và thời điểm vận hành ở mỗi quốc gia là khác nhau.
Thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng. Các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện thế giới gần 20 năm trước. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu, việc xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trở thành công cụ ngày càng quan trọng.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, Việt Nam có 14,2 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu ha rừng trồng sản xuất.
Với diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng sản xuất này, nếu biết quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào.
Đầu năm 2024, trong cuộc họp về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về mục đích, mục tiêu của chính sách giảm phát thải khí carbon ở Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực, toàn cầu; mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); lộ trình thực hiện, trong đó có những việc cần làm ngay: Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-co-the-ban-duoc-40-trieu-tin-chi-carbon-moi-nam-85689.html