PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) cho biết, đến nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh do Covid-19 gây ra. Phác đồ điều trị chủ yếu là triệu chứng, nhưng với tỷ lệ 15/16 ca đã âm tính (14 ca được xuất viện tính đến chiều nay) cho thấy, phác đồ điều trị của Việt Nam là hiệu quả.
Trong số đó có ca bệnh nhiều bệnh nền như: Huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư. Các bệnh nhân còn lại đang có sức khỏe tiến triển tốt và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới.
"Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19“, ông Khuê nói.
Nói về phác đồ điều trị Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
"Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới”, ông Khuê nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, ThS.B Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho biết, từ những kinh nghiệm của đồng nghiệp, Việt Nam đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mình. Hiện phương pháp điều trị của chúng ta là chưa cần những thuốc điều trị đặc biệt mà vẫn sử dụng những loại thuốc sẵn có theo từng tình trạng của mỗi người bệnh
“Về nguyên tắc, khi người bệnh hết virus có nghĩa hệ miễn dịch đã đủ mạnh để quét sạch virus, họ sẽ không phát tán virus, không lây bệnh cho người khác và cho cộng đồng. Nhưng vì đây là bệnh mới, đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, nên với các bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính với virus, khỏi bệnh nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi y tế tiếp cho các bệnh nhân này”, BS Cấp nói.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện chỉ còn 34 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, đang theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế; 1.137 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19.
Đáng chú ý, kể từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca bệnh mới nào. Tại tỉnh Vĩnh Phúc - nơi có số ca mắc cao nhất cả nước (11/16 ca), những ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Về số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, Bộ Y tế xác nhận hiện có 1.538 người. Ngành y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cửa khẩu, tại cộng đồng, tại các khu vực cách ly tập trung tại nhà, nơi lưu trú để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, cách ly và quản lý kịp thời.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết thêm, đến nay Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo nào về thay đổi chỉ đạo trong phòng chống dịch ở trên thế giới, Việt Nam vẫn đang áp dụng đúng tình trạng như Thủ tướng đã nêu: Chống dịch như chống giặc
Ông Khuê cũng thông tin thêm, trong công cuộc chống dịch Covid - 19, Trung Quốc có hơn 3000 thầy thuốc nhiễm bệnh. Việt Nam luôn nỗ lực điều trị khỏi cho người bệnh nhưng phải giữ gìn sức khoẻ người thầy thuốc.