Theo thống kê của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bình quân hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP. Tổng giá trị bán lẻ thực phẩm và đồ uống ước tính đạt 54,9 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ tăng CAGR 9,9% lên 66,3 tỷ USD vào năm 2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành đồ uống Việt Nam tăng trưởng vượt bậc khi đạt 26,8%; trong đó bia là sản phẩm có mức tăng trưởng khá tốt khi tăng hơn 31%. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh tăng 11,9% và ngành đồ uống tăng 52,8%.

Những con số trên thể hiện rõ khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Đây chính tiền đề để Việt Nam trở thành một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho ngành thực phẩm và đồ uống tại châu Á.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, các doanh nghiệp càng chú trọng nhiều hơn đến việc đưa ra giải pháp sản xuất sản phẩm lương thực, thực phẩm, nhất là đồ uống, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Để có được những sản phẩm tốt cho sức khỏe, đòi hỏi nguyên liệu hay phụ gia thực phẩm cần phải đảm bảo các yếu tố sức khỏe.
Chất lượng thực phẩm sản xuất tại Việt Nam ngày càng được nâng cao. Hiện các công ty sản xuất thực phẩm tại Việt Nam đòi hỏi nguyên liệu đầu vào khắt khe hơn và chất lượng thực phẩm hay độ an toàn về thực phẩm tại các công ty Việt Nam cũng có chuẩn đầu vào cao hơn chuẩn quốc tế. Đây cũng là tín hiệu vui cho ngành thực phẩm Việt Nam.

Nguyên liệu đầu vào đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của sản phẩm thực phẩm. Để có thể có được những sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng về tăng cường sức khỏe cần phải có nguyên liệu tốt. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu thực phẩm rất lớn nhưng tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu lên đến 90%.

Thời gian qua, với những biến động về chuỗi cung ứng nguyên liệu trên thế giới như giá cả tăng, vấn đề về chính sách nhập khẩu hàng hóa đã dẫn đến xu hướng "toàn cầu hóa địa phương". Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hướng đến sản xuất nguyên liệu thực phẩm trong nước.

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/viet-nam-ngay-cang-chu-trong-nang-cao-chat-luong-thuc-pham-213669.html