Nhiều “đại bàng” có kế hoạch tới Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhiều hãng sản xuất đa quốc gia lớn cũng đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới tại Việt Nam như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mazda, Mitsubishi, Foxconn, Samsung…
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta đã tranh thủ xu hướng chuyển dịch thương mại - đầu tư trên thế giới để tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp và tiến dần trong chuỗi giá trị ở một số ngành công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
TS. Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt nên Việt Nam đã tái khởi động nền kinh tế sớm hơn các nước khác.
“Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc về xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội đã ở trạng thái bình thường”, ông Toàn nói.
Theo vị chuyên gia này, trong năm 2020, Việt Nam không bị gián đoạn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các đối tác của Apple cũng đang rậm rịch sang Việt Nam với khoản đầu tư mới 270 triệu USD. Năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPod dự kiến cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam cũng được biết đến là địa điểm hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút nhiều “ông lớn” của thế giới như Intel, Samsung, LG…
Mới đây, dữ liệu từ Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam 2020 của Savills cũng cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam trở thành một điểm đến thay thế cho các cơ sở sản xuất này.
“Bên cạnh ưu thế từ các Hiệp định thương mại, yếu tố chi phí lao động và thuế quan đang tiếp tục giúp Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá trong làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc”, chuyên gia Savills nhận định.
Theo Savills, lạm phát tiền lương có xu hướng tăng sau khi khủng hoảng toàn cầu giảm bớt. Chi phí lao động ở Trung Quốc đã cao gấp ba lần so với Việt Nam, việc này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất đa quốc gia xem xét chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn, trong đó có Việt Nam.
Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, một số nhà sản xuất đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng, di chuyển sản xuất đến Việt Nam, điển hình như các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo, Komatsu từ Nhật Bản và Lenovo từ Hồng Kông.
Còn nhiều trăn trở
Số liệu công bố mới nhất cho thấy, năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD. Mặc dù có giảm 25% so với năm ngoái nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, xu hướng đầu tư toàn cầu sụt giảm mạnh thì Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng trong thu hút FDI.
Tuy nhiên, khi đề cập đến những kỳ tích trong thu hút FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) không khỏi trăn trở trước thực tế: Đầu tư nước ngoài của chúng ta chưa được hiệu quả như kỳ vọng.
“Sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài không cao; các doanh nghiệp Việt tham gia vào phân khúc công nghệ thấp. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước cũng là điểm yếu. Chính vì vậy, muốn thu hút đầu tư thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tự phát triển hơn nữa để tương xứng, bắt tay bình đẳng với nước ngoài”, ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Toàn cũng cho rằng, bước sang năm 2021 và những năm tiếp theo, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài cần phải chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, GS. TSKH. Võ Đại Lược lại trăn trở khi nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI. Rõ ràng FDI mang lại những lợi ích không thể phủ nhận, song chúng ta muốn tạo ra nội lực, muốn hưởng lợi to lớn thì không thể phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn nước ngoài.
Tính chung trong năm 2020, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 34,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 33 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 15,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp xuất siêu gần 19 tỷ USD.
“Dù tăng trưởng cao nhưng nếu chúng ta quá lệ thuộc vào FDI thì tăng trưởng đó mang lại lợi ích không tương xứng. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI với những mục tiêu đúng đắn, rõ ràng. Quan trọng bây giờ vẫn là sự thực hiện. Vì lợi ích chung của đất nước, các địa phương đừng thu hút FDI vô tội vạ”, ông Lược nhấn mạnh.
GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE cũng cho biết, 35 năm qua, không lúc nào Việt Nam coi nhẹ chất lượng và hiệu quả thu hút FDI. Cho đến bây giờ việc lựa chọn các dự án đầu tư là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Chúng ta không thể thu hút FDI một cách bừa bãi để rồi phát sinh hệ lụy.
“Chúng ta mở rộng cửa chào đón, nhưng cũng phải cảnh giác với tình trạng chuyển vào Việt Nam những dự án không tốt, đặc biệt là những dự án ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu, không đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Mại nhấn mạnh.
Nguồn: https://congluan.vn/viet-nam-va-cuoc-dua-ky-tich-hut-fdi-dau-la-nhung-noi-tran-tro-phia-sau-post111929.html