"Nhà 4 miệng ăn, vợ với hai con nhỏ, mình là lao động chính. Chạy xe như này, chăm ra ngày cũng kiếm được đôi ba trăm", Hiếu, 30 tuổi, quê Lào Cai, một tài xế công nghệ thuộc beGoup chia sẻ.

Hiếu kể, trước khi dịch bùng phát, công việc chính của anh là nhân viên cắt tóc tại một tiệm làm đẹp ở Phố Vọng, Hà Nội. Khi hàng quán không thiết yếu buộc phải đóng cửa để chống dịch, anh đã xoay qua làm tài xế công nghệ.

"Chạy được một tháng rồi nhưng mình vẫn chưa thuộc hết đường ở Hà Nội. Dịch dã chạy xe lông bông khắp nơi cũng lo nhưng biết sao được. Nghỉ ngày nào là đói ngày đó", Hiếu chia sẻ.

Thế nhưng, được "nổ" cuốc, có khách đặt xe để chạy như Hiếu đã là hạnh phúc. Bởi những ngày này, không khó để bắt gặp những tài xế công nghệ nằm, ngồi, đứng,… la liệt bên những trụ đèn, góc phố. Thành phố ra chỉ thị yêu cầu người dân không ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết. Nhu cầu giảm, những bác xe ôm thời 4.0 như Hiếu thành ra thất nghiệp tập 2.

Những tài xế xe ôm thời 4.0.
Những tài xế xe ôm thời 4.0. (Ảnh: Báo Giao thông).

Hỗ trợ 4 triệu đồng mỗi tháng, san sẻ gánh nặng mưu sinh

Trao đổi với người viết, đại diện beGroup - một hãng gọi xe Việt, chia sẻ triết lý "Lấy tài xế làm gốc" với mong muốn san sẻ những gánh nặng mưu sinh cho các tài xế như Hiếu trong câu chuyện kể trên.

Theo đó, với những tài xế be đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, có tổng thu nhập tháng dưới 5 triệu đồng sẽ được beGroup hỗ trợ tiền trực tiếp nhằm đảm bảo một phần thu nhập. Mức hỗ trợ cao nhất lên đến 4 triệu đồng/người/tháng.

"Tổng số tiền sử dụng để hỗ trợ mà chúng tôi dành cho chính sách này lên tới hàng tỷ đồng và sẽ được tiếp tục thực hiện nếu làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tiếp tục kéo dài", đại diện hãng gọi xe chia sẻ.

Đối với tài xế đặc biệt khó khăn, beGroup cũng sẽ tiến hành khảo sát để có chính sách hỗ trợ theo từng trường hợp. Riêng tài xế trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (là F0, F1 và F2) được beGoup hỗ trợ với hạn mức lên đến 3 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, khi TP.HCM yêu cầu dừng các hoạt động taxi công nghệ, beGroup đã hỗ trợ các tài xế chuyển từ beCar sang beBike để duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tìm đường tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tác, cam kết không ai bị bỏ lại phía sau

Một ông lớn trong làng gọi xe công nghệ khác là Grab với hàng trăm nghìn đối tác, các chính sách hỗ trợ đối tác trong thời gian dịch bệnh cũng luôn được duy trì liên tục trong năm 2020 và kéo dài sang năm 2021.

Đại diện Grab thông tin trên toàn quốc, hãng đã áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ sức khỏe và an toàn cho đối tác tài xế, bao gồm hỗ trợ tài chính 2 triệu đồng cho bất kỳ đối tác tài xế nào có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và hỗ trợ 100.000 đồng/ngày (tối đa 21 ngày).

Đối tượng áp dụng chương trình hỗ trợ tài chính của Grab bao gồm toàn bộ đối tác tài xế bị nhiễm (F0) hoặc nghi nhiễm (F1) COVID-19. Các đối tác phải thực hiện cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan chức năng được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày, mỗi đối tác thực hiện cách ly tại nhà sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng.

Một tài xế giao đồ ăn của Grab đang chờ món tại quán ăn ở Hà Nội.
Một tài xế giao đồ ăn của Grab đang chờ món tại quán ăn ở Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Bên cạnh đó, Grab gần đây đã công bố thành lập Quỹ Grab Vì Cộng Đồng (GrabForGood Fund) với tổng số vốn cho quỹ là 275 triệu USD nhằm hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến tạo tác động xã hội và môi trường dài hạn mang lại lợi ích cho các cộng đồng trên khắp khu vực Đông Nam Á. Sáng kiến đầu tiên từ quỹ hướng đến việc hỗ trợ vắc xin COVID-19 cho các đối tác của Grab không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên.

Grab đã phân bổ khoản ngân sách lên đến 20 triệu USD từ nguồn quỹ nhằm hỗ trợ vắc xin COVID-19 và sử dụng vắc xin cho các đối tác tài xế đủ điều kiện.

"Chúng tôi biết ơn các đối tác vẫn tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong giai đoạn khó khăn này và đã bắt đầu quá trình tìm mua vắc xin, cũng như xem xét thành lập các trung tâm vắc xin tại địa phương để tiêm chủng cho các đối tác đủ điều kiện", đại diện Grab bày tỏ.

12,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hơn 1 triệu người thất nghiệp

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong quý II, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với quý trước và giảm hơn 137.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

Những con số này được đưa ra tại buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II/2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức sáng 6/7, VOV thông tin.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II/2021.

Trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Cơ quan chức năng cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội như công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức… Bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Thu Thảo/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/vong-xoay-muu-sinh-cua-nhung-tai-xe-xe-om-40-thoi-covid-19-20201231000003584.html