Giáo Sư Nguyễn Nguyên Khôi là người song hành với ngành chạy thận nhân tạo và lọc máu Việt Nam gần 50 năm qua.
Mở đầu buổi Tọa đàm "Những vấn đề pháp lý đối với trường hợp bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương" vừa diễn ra hôm 13/4, ông nhấn mạnh: “Gần 50 năm lọc máu lần đầu tiên có tai biến khiến 8 người tử vong cùng lúc. Sự việc không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà nó còn là chuyện đáng tiếc không thể quên trong lịch sử ngành lọc máu và chuyên ngành thận nhân tạo thế giới”.
Trước sự việc khiến dư luận xã hội và đội ngũ những người làm công tác Y tế cả nước đặc biệt quan tâm, vị Giáo Sư đặt ra bốn vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình điều tra, xử lý trách nhiệm những người liên quan.
Thứ nhất: Quy trình xử lý hệ thống RO thẩm thấu này do ai đề xuất? Cơ quan nào thông qua? kiểm tra tồn dư hoá chất bằng cách nào? Ai cung cấp hoá chất này? Ai vận chuyển hoá chất này vào sửa chữa?
Thứ hai: Gần 50 năm làm nghề lọc máu, tôi giảng dạy nhiều thế hệ bác sĩ và bác sĩ đều được đào tạo và chưa bao giờ được phổ biến quy trình xử lý máy RO bằng axit Flohydric này, mà chỉ dùng dung dịch javen, oxy già…
Những ngày đầu lọc máu, cả nước có 2 máy chạy thận đến giờ có tới 40.000 máy lọc thận, GS Khôi cho biết ông đều tự làm từ sát trùng, lọc máu, lắp cho người bệnh. “Trong cuộc đời làm nghề lọc máu của mình, tôi chưa bao giờ dùng axit Flohydric để xử lý màng RO như vụ việc ở Hoà Bình” – GS Khôi nói.
Kết thúc vấn đề thứ hai đưa ra, Giáo Sư tự đặt ra câu hỏi cho cuộc đời làm nghề của mình: “Vì sao gần 50 năm không xảy ra mà giờ lại xảy ra mà nó không có trong quy trình nào cả!”.
Thứ ba: GS Khôi khẳng định, Bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ trẻ, mới hơn 30 năm tuổi đời, làm việc ở khoa hồi sức tích cực, bác sĩ Lương cũng chưa bao giờ được học quy trình này. BS Lương không thể biết trong nước lọc máu có chất Flohydric hay không và không có bất kỳ cái gì để xác định được Flo có tồn tại không vậy làm thế nào để tìm trách nhiệm của bác sĩ Lương?
Khi sự việc xảy ra, BS Lương đã hết sức cấp cứu cho bệnh nhân và chính bệnh nhân cũng gửi đơn đến cơ quan pháp luật bảo vệ BS Lương. "Vì thế, tôi nghĩ BS Lương đã làm đúng trách nhiệm của mình".
Thứ tư: Trong quá trình lọc máu, tất cả đều chuyển qua màng và dưới dạng nano nên bất kỳ chất gì đi vào đường máu đều dẫn đến các tế bào trong cơ thể, nó dẫn truyền rất nhanh gây sốc nhanh. Trong suy thận có trên 120 chất ở dạng nano, dạng protein hoặc dạng phân tử nên cộng hưởng với chất lạ Flohydric sẽ khiến bệnh nhân tử vong nhanh.
"Tôi và và những người làm nghề lọc máu cảm thấy vừa buồn vừa sợ". Vị Giáo sư có gần 50 năm làm nghề lọc máu ngậm ngùi.
Theo GS Nguyễn Nguyên Khôi, những người chạy thận nhân tạo là người bệnh suy thận ở giai đoạn cuối và họ đã trải qua thời gian dài bệnh lý về thận. Hơn nữa, bản người bệnh cũng có thể mắc nhiều bệnh lý.
Vì vâỵ, trong quá trình lọc máu sẽ có thể có những biến chứng xảy ra do trên nền các bệnh cảnh có sẵn. Các các biến chứng thường gặp là về tim mạch như tăng huyết áp, ngừng tim do nhồi máu cơ tim, rối loạn chuyển hoá... Ngoài ra, do cơ thể bệnh nhân không thích nghi ngay được với quả lọc hoặc dây dẫn truyền…
GS Khôi cho biết thêm, những biến chứng xảy ra do không thích nghi được với nguyên vật liệu hoặc do một khâu nào đó trong quá trình sát trùng, bảo quản quả lọc, máy chạy hay do yếu tố bệnh lý, cơ thể thì chỉ xảy ra trên một cá thể nào đó, chứ không thể diễn ra hàng loạt 18 người như ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Trước sự việc không may xả ra với ngành y nói chung và với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là vụ Bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. GS Khôi cho rằng ông cảm thấy bị tổn thương và có trách nhiệm trong trường hợp này vì không ngăn chặn được nó.