Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, dù vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên khởi sắc của ngành xuất khẩu và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài. Lạm phát nhích lên, chủ yếu do chi phí vận tải tăng, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá xăng dầu thông qua việc cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.
Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024. Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau một thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, tốc độ giảm nghèo dự kiến sẽ tăng lên, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,7% vào năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022 dựa trên chuẩn nghèo của WB (365 USD/ngày theo ngang giá sức mua PPP năm 2017).
Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng tăng trưởng tại hầu hết các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 sau ảnh hưởng dịch COVID-19, trong khi đó Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế dịch bệnh.
Thời gian tới, kết quả kinh tế trên khắp khu vực có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu trên toàn cầu chững lại, nợ gia tăng và tình trạng lệ thuộc vào các biện pháp xử lý kinh tế ngắn hạn nhằm chống đỡ giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.
Trong toàn khu vực, tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại còn 3,2% trong năm 2022, so với 7,2% trong năm 2021, trước khi tăng lên 4,6% trong năm 2023. Tăng trưởng ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có được nhờ nhu cầu trong nước phục hồi, do các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng, và nhờ tăng trưởng xuất khẩu.
Nguồn: https://congly.vn/wb-du-bao-gdp-viet-nam-nam-2022-tang-7-2-214197.html