Một năm khó khăn của kinh tế Việt Nam
Năm 2021 Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn liên quan tới đại dịch COVID-19. Mặc dù có khởi đầu thuận lợi vào quý I, thế nhưng, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài từ tháng 4 đã làm chệch quá trình phục hồi và để lại hậu quả nghiêm trọng về con người và kinh tế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP của Việt Nam ước tính chỉ tăng trưởng 2,58% trong năm 2021.
Báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 1/2021, được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào chiều 13/1, cho biết: Mặc dù Việt Nam chưa chuẩn bị tốt cho đợt dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 4/2021, nhưng các cấp có thẩm quyền đã nỗ lực triển khai tiêm vắc-xin trên toàn quốc, tuy muộn nhưng khá thành công.
“Đến cuối tháng 12, và trong vòng khoảng năm tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin, đã có trên 75% dân số được tiêm một mũi và trên 55% đã được tiêm đầy đủ. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận, cho dù có những khác biệt giữa các vùng và Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các quốc gia láng giềng”, báo cáo của WB nêu.
Nhận định về con số tăng trưởng 2,58% trong năm 2022, WB cho rằng, đây là hậu của của đợt bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 4 và các biện pháp hạn chế đi lại sau đó trong quý III/2021.
Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%, mà WB đã dự báo hồi tháng 12 năm 2020. Kết quả trong nửa đầu năm hứa hẹn về khả năng phục hồi hoàn toàn về các mức tăng trưởng trước thời kỳ COVID, với tốc độ tăng trưởng đạt 5,6%.
Tuy nhiên, các đợt giãn cách xã hội đã khiến cho GDP giảm 6,2% trong quý III, một trong những mức sụt giảm lớn nhất trong bốn thập kỷ qua – khi mà cả ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong đó, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch và các đợt giãn cách xã hội.
Điều tra Tình trạng Kinh doanh trong giai đoạn COVID-19 từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2021 do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy tỷ lệ đóng cửa doanh nghiệp đặt biệt cao ở thành phố Hồ Chí Minh (35%), tâm điểm của đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4, cao hơn so với các vùng khác và so với ba đợt điều tra trước đó.
Điểm sáng của kinh tế Việt Nam là xuất nhập khẩu, WB nhận xét: mặc dù xuất khẩu đã thể hiện khả năng chống chịu tốt, nhưng cú sốc COVID-19 bắt đầu từ tháng tư tạm thời ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sang các mặt hàng công nghệ cao hơn.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, các mặt hàng điện tử và máy móc đã trở thành động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu vì các biện pháp giãn cách xã hội và phương thức làm việc từ xa đã làm chuyển dịch nhu cầu ở nước ngoài, từ các mặt hàng truyền thống công nghệ thấp sang cá mặt hàng công nghệ tiên tiến hơn.
Sau khi xảy ra đợt dịch bùng phát vào tháng 4/2021, xu hướng này càng được đẩy mạnh do những khó khăn, hạn chế đối với hoạt động sản xuất ở các ngành công nghệ thấp.
Các sản phẩm công nghệ thấp như may mặc và giày da có quy trình sản xuất thâm dụng lao động hơn, vì vậy dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp y tế công cộng hơn.
Do phải sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp trong ngành này gặp nhiều khó khăn hơn và chịu chi phí cao hơn để duy trì hoạt động tại các nhà máy khi phải tuân thủ với các yêu cầu giãn cách xã hội.
Triển vọng hồi phục trong năm 2022
WB đặt niềm tin rất cao về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Đơn vị này dự kiến, GDP sẽ bật tăng trưởng dương 5,5% trong năm tới, theo kịch bản với giả định đại dịch được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và trên quốc tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo nền kinh tế phục hồi thành công trong thời gian tới, WB khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần xử lý hai thách thức.
Thứ nhất, những hạn chế về cung liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất sau khi mở cửa. Đặc biệt, những vấn đề còn tồn tại, như tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra ở một số địa phương, cần được xử lý ổn thỏa để nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn.
Nhìn từ góc độ cầu, nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước chưa được khôi phục về các mức trước năm 2020 trong giai đoạn giãn cách vào quý III, càng làm giảm lòng tin và thu nhập của khu vực tư nhân.
“Để khôi phục lại lòng tin và thu nhập, cần có các chính sách tài khóa và tiền tiền tệ phối hợp chặt chẽ”, báo cáo WB nêu.
Thứ hai, các cấp có thẩm quyền cần vạch ra kế hoạch để chấm dứt đóng cửa biên giới quốc tế, đã và đang gây tốn kém rất nhiều cho nền kinh tế.
Ngành du lịch đóng góp khoảng 10% cho GDP năm 2019, nhưng đang gặp khó khăn trong hai năm đóng cửa biên giới, gây tổn thất về thu nhập cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động.
Biên giới quốc tế được mở cửa sẽ cho phép các đoàn công tác được thực hiện với ít rào cản hơn. Đồng thời, để giúp nền kinh tế khôi phục lại xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch cần sớm được khôi phục để tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế. Dĩ nhiên, chiến lược đó đòi hỏi phải kiểm soát dịch liên tục trong năm 2022.
Nguồn: https://congluan.vn/wb-du-bao-kinh-te-viet-nam-se-but-toc-trong-nam-2022-gdp-tang-55-post177198.html