Tờ Deutsche Welle của Đức nhận định rằng đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn với tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng không phải là mối đe dọa duy nhất mà các nhà đầu tư phải chú ý trong năm 2022.

Các biến thể Covid-19 mới có khả năng “né” vaccine

 

Vào tháng 11/2021, thị trường tài chính và hàng hóa biến động do sự xuất hiện của Omicron, biến thể có khả năng lây truyền cao và có thể kháng vaccine. Trong tuần tiếp sau, thị trường toàn cầu tiếp tục chao đảo khi các nhà đầu tư vật lộn để đánh giá tác động kinh tế của biến thể này. Các chính phủ cũng siết chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron.

Biến thể Omicron hiện tại chưa trở thành lực cản đối với đà phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng một biến thể trong tương lai có thể tiềm ẩn rủi ro như vậy. Các chuyên gia đã cảnh báo, nếu đại dịch tiếp tục lây lan thì có khả năng xuất hiện những biến thể kháng vaccine có thể dẫn tới sự trở lại của các đợt phong tỏa. 

Theguardian dẫn phát biểu của chuyên gia Dhaval Joshi tại BCA Research, nói rằng nguy cơ đối với kinh tế thế giới là sự xuất hiện của những “siêu biến thể” mới của virus SARS-CoV-2, thậm chí có thể còn nguy hiểm hơn biến chủng Omicron.

"Nếu dịch Covid-19 có tác động kéo dài, trong trung hạn, dịch bệnh có thể khiến GDP toàn cầu tích lũy giảm tới 5,3 ngàn tỷ USD trong 5 năm tới so với dự báo hiện tại của chúng tôi" – bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF cảnh báo hồi tháng 10/2021. Theo chuyên gia IMF, ưu tiên chính sách hàng đầu là đảm bảo 40% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng đầy đủ trong năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Tuy nhiên hiện chưa đến 5% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ.

Những thách thức lớn nhất đối với kinh tế thế giới năm 2022
Những thách thức lớn nhất đối với kinh tế thế giới năm 2022

Lạm phát tăng vọt

Tình trạng thiếu nguyên liệu thô cùng với giá năng lượng tăng kỷ lục đã đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ trong năm ngoái  lên mức cao nhất trong hàng chục năm gần đây. Điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất sớm để kiềm chế giá cả đang tăng vọt.

Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng được xác định là kéo dài hơn so với nhận định ban đầu, lạm phát dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng nóng trong phần lớn năm 2022.

Tại Mỹ, lo ngại về lạm phát dự kiến còn lớn hơn khi có sự thúc đẩy của kinh tế phục hồi nhanh, gói kích thích tài khóa lớn, tình trạng thiếu nguồn cung và lao động. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hồi tháng 11/2021 đã cảnh báo: “Lạm phát cao hơn dự báo và các nút thắt cổ chai đã trở nên dai dẳng và phổ biến hơn dự báo trước đây. Chúng tôi tin rằng những vấn đề này sẽ còn kéo dài sang năm 2022. Đó là điều mà trước đây chúng tôi và các nhà dự báo vĩ mô khác không lường được”.

FED cho biết họ sẽ thu hẹp chương trình thu mua trái phiếu với tốc độ nhanh hơn và sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Việc nâng lãi suất của FED có thể tác động tiêu cực đến một số nền kinh tế mới nổi, như Nam Phi, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc

Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo chậm lại sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng sụt giảm về mức 3-4% trong vài quý tới đây, theo dự báo của ngân hàng Nomura. Cơ sở của dự báo này là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đương đầu nhiều sức ép từ khủng hoảng thiếu điện, thiếu vật tư, cho tới chiến dịch tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như bất động sản và công nghệ.

“Sự giảm tốc nay có thể sâu hơn và kéo dài hơn so với bất kỳ đợt giảm tốc nào trong 10 năm qua của kinh tế Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế trưởng Kevin Lai của Daiwa Capital Markets nhận định.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc kiên định với chiến lược "zero Covid" cũng sẽ có khả năng tác động lớn với nền kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng địa chính trị

Quan hệ căng thẳng giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu liên quan đến vấn đề Ukraine đang gia tăng lo ngại về ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu. Mỹ và các đồng minh châu Âu cảnh báo thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, trong đó có cả khả năng dừng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu Moscow có hành động quân sự nhằm vào Kiev.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của tập đoàn thương mại OANDA, chia sẻ với tờ Deutsche Welle: “Nếu Mỹ và châu Âu không cho phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hoạt động có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, và điều này sẽ đẩy giá dầu tăng vọt lên  hơn 100 USD/thùng Giá năng lượng tăng mạnh có thể là nguyên nhân buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ".

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhung-thach-thuc-lon-nhat-doi-voi-kinh-te-the-gioi-nam-2022.html