Đây là đề xuất của Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước của Quốc hội.
Tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid khó khăn chúng ta vẫn tăng trưởng dương, trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế còn nhiều điểm chưa thể hài lòng.
Nói về định hướng phát triển cho 5 năm tới, đại biểu đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, nhưng cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức.
“Nếu chúng ta nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua, từ năm 2010 đến năm 2019 GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng trung bình 6,3%/năm, nếu tính thêm cả năm 2019 và 2020 thì còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 6,7% cho 5 năm tới theo tôi là mục tiêu rất gian nan.
Tương tự như vậy, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 đến 5.000 USD vào năm 2025 cũng cần phải có rất nhiều nỗ lực. Có khát vọng là cần thiết, đặt mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống sẽ nỗ lực hơn nhưng cũng sẽ gây sức ép lên các chính sách tài khóa và tiền tệ, có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây là điều cần phải hết sức cẩn trọng. Tôi đề nghị Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành cần ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng vươn lên”, đại biểu nói.
Đại biểu cũng đề nghị phải quyết tâm thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN. Chương trình rà soát, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật kinh doanh đã được Chính phủ khởi động, cần được triển khai khẩn trương và quyết liệt.
Quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 phụ thuộc khá nhiều vào việc khống chế dịch bệnh. Nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại thì tất cả những gì mà Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành từ đầu năm làm được sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Kịch bản và các dự báo tăng trưởng trong năm sau và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm sẽ bị thay đổi theo hướng xấu đi.
“Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để tình trạng chủ quan trong quản lý dịch bệnh ở các địa phương. Chính phủ cần bổ sung vào báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo 3 kịch bản, đó là: Kịch bản 1, khi hết dịch; Kịch bản 2, dịch vẫn đang đủng đỉnh như hiện nay; Kịch bản 3, dịch bùng phát lớn hơn để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra”, đại biểu nói.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt các DN, người lao động trực tiếp, vì theo báo cáo tiến độ thực hiện quá chậm, chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đang cho thấy nhiều bất cập, lúng túng trong việc thực thi, ảnh hưởng đến nhóm DN vừa và nhỏ, nhóm đông đảo nhất cần hỗ trợ lại là nhóm tiếp cận khó nhất.
“Theo tính toán của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, cho đến giữa tháng 9 chỉ có khoảng 3% DN nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này. Nguyên nhân của tình trạng trên phải chăng đó là sự ngại ngùng, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai khiến tiến độ bị chậm trễ”, đại biểu băn khoăn.
Cũng theo đại biểu Cao Đình Thưởng, việc hỗ trợ trực tiếp chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, giải pháp tình thế, còn về lâu dài nên có các chính sách phù hợp, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của DN, đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, rào cản cho DN.
Đánh giá kỹ từng kịch bản!
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thống nhất với Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ và thống nhất ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những điểm sáng mà Chính phủ đã điều hành đạt được trong năm hàng không 2020.
Theo đại biểu, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và có ý nghĩa rất quan trọng. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ cần rà soát khả năng đạt được của chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, điều kiện, bối cảnh 2021 và xem xét trong tổng thể Kế hoạch 5 năm bảo đảm thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế. Đại biểu thống nhất chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2021 là 6% đến 6,5%, tuy nhiên cần phải xây dựng và đánh giá kỹ từng kịch bản.
Để đạt được các cột mốc phát triển, chúng ta phải giải quyết một loạt bài toán là nhận định của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM). Cụ thể là bài toán tăng trưởng, bài toán tài chính ngân sách, bài toán bảo vệ chủ quyền an ninh, bài toán Nhà nước pháp quyền, bài toán bảo đảm quyền của dân và huy động sức dân.
Trong đó, đại biểu nhấn mạnh vấn đề an sinh xã hội trong 5 năm tới là một yêu cầu cấp bách và quan trọng và có thể làm phá sản các kế hoạch phát triển, nếu xảy ra khủng hoảng về an sinh. “Tôi đề nghị có giải pháp cụ thể hơn. Ngoài ra, trong khi hỗ trợ một cách trúng đích và kịp thời, các DN gặp khó khăn chưa thấy Chính phủ nêu giải pháp đối với các dự án trùm mền, đắp chiếu đang nợ và lỗ lũy kế hàng 100.000 tỷ. Cử tri chờ đợi Chính phủ thông tin về điều này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) cho rằng, vào tháng 11/2019 khi Quốc hội bấm nút quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 thì Covid-19 còn là khái niệm hoàn toàn xa lạ. Gần 1 năm sau, đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng, Kết quả thực hiện mục tiêu kép còn khiêm tốn, nhưng tăng trưởng dương là rất đáng ghi nhận, rất thành công.
Hiện nay, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được dự thảo. “So với kết quả dự kiến đạt được năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đang đặt ra ở mức khá cao. Tuy vậy, mức tăng trưởng của năm 2020 dù thấp thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6 đến 6,5% năm 2021 tôi cho là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được, bởi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi”, đại biểu nói.
Bên cạnh chính sách tiền tệ mà chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua, theo đại biểu Nguyễn Chiến, cần tập trung hơn vào chính sách tài chính, tài khóa, ưu tiên phát triển du lịch, khai thác tiềm năng đặc biệt này của Việt Nam. Đại biểu đề nghị tận dụng yếu tố thị trường giải quyết tốt về vấn đề nguồn nhân lực, phát huy vai trò kết nối giữa 3 trụ cột của nền kinh tế, tận dụng các nguồn lực của nền kinh tế thị trường trong xây dựng và phát triển nguồn lực, phát triển thị trường sức lao động.
Đồng thời, cần cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, rào cản cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong Dn và người dân; hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, phối hợp đồng bộ chính sách an sinh xã hội với chính sách kinh tế - xã hội khác…