Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới thuận lợi, may mắn và bình an.
Xin chữ - Nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam
Không biết từ bao nhiêu nay, cứ mỗi năm vào mùa Tết là nhiều tục lệ cổ xưa được mọi người thực hiện. Bên cạnh nhiều lễ nghi thủ tục, những thú chơi của người Hà Nội cổ cũng vẫn còn tồn tại mãi như một bản sắc văn hoá truyền thống không thể nào mất đi của vùng đất kinh kỳ hoa lệ. Và tục xin chữ, xin câu đối ngày đầu năm cũng thế, nó vẫn còn tồn tại theo cùng năm tháng và theo những thói quen ngày lễ Tết của người Hà Nội.
"Mỗi năm hoa đào nở
lại thấy ông Đồ già
bày mực tàu giấy đỏ
bên phố đông người qua"
Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Hằng năm, thường là từ mùng 2 Tết trở đi, mọi người đã bắt đầu kháo nhau đi xin chữ. Từ người lớn tuổi cho đến thanh niên, học sinh. Gần đây, việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu của người trẻ tuổi, tạo thành một văn hóa chơi chữ mới. Những con chữ như "rồng bay phượng múa" hiện lên qua các nét cọ điêu luyện khiến cho việc xin chữ, ngoài ý nghĩa xin được chữ, còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của những người cho chữ.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"
Như các cụ thường nói: "Nét chữ nết người" nên xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.
Nhưng thấy đồn truyền rằng ai không đi xin chữ mà lại được các thầy gọi vào cho chữ, người ấy mới thật là có phúc có đức và có cả duyên với các thầy mới được vậy, cái đó gọi là lộc chữ. Nhà nào, anh nào mà được các thầy cho chữ như vậy thì cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, nhiều sự như ý.
Ngày nay, nhiều người trẻ tỏ ra là những người chuộng chữ nghĩa, rủ nhau đi xin chữ ồn ào huyên náo, đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một vật có ý nghĩa về treo trong nhà mặc dù không hiểu nhiều lắm ý nghĩa vật ấy ra sao, cũng nhiều người trẻ thật sự đam mê với vốn văn hoá cổ truyền dân tộc, theo mẹ, theo bà, theo ông ra phố tìm lại những bóng hình xưa cũ để mà học hỏi thêm cho bản thân mình.
Vào ngày mùng 2 Tết, ở các phố Hà Nội như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Văn Miếu,... thường bắt đầu diễn ra hoạt động cho chữ đầu năm. Đặc biệt ấn tượng nhất là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, đến đây, bạn luôn cảm nhận được một không khí rất náo nhiệt của những người đến xin chữ, đông đúc và hồ hởi. Ngày Tết cũng trở nên ấm áp hơn với sắc đỏ sắc vàng của giấy viết, của những nét chữ ông đồ và nét tươi vui hân hoan của người xin được chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý.
Ý nghĩa những chữ hay được xin trong ngày Tết
Tùy vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi mà người ta thường xin những chữ khác nhau. Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Đăng khoa... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, Tín, Phát... Người cầu thành công xin chữ Thành, Đạt,...; người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn...
Xin chữ tặng người già, người ta xin chữ Thọ; xin chữ tặng gia đình, người ta xin chữ Phúc, Tâm, An; xin chữ cho con cái, người ta xin chữ Trí; xin chữ cho cha mẹ, người ta xin chữ Hiếu.
Các chữ được xin thường là chữ Nho - đây là truyền thống từ xưa tới nay. Chỉ đến gần đây, người ta mới xin cả chữ Quốc ngữ vì loại chữ này có ưu thế là thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Còn các chữ Nho không chỉ có mặt chữ lạ lẫm với phần lớn mọi người, lại mang nhiều tầng ý nghĩa.
Cho dù biết bao biến động đổi thay của cuộc sống, con người ta vẫn cố gắng gìn giữ lại những nét đẹp vốn có của truyền thống. Bởi đó là tinh thần, là linh hồn, là văn hóa của dân tộc. Đó là ước mơ, là hi vọng, là những mong mỏi của con người trong năm mới, những mong ước chính đáng và giàu tính nhân văn.
Ngày nay, người trẻ tỏ ra là những người chuộng chữ nghĩa, đôi khi chỉ là sở thích được sở hữu một vật có ý nghĩa về treo trong nhà - nhưng dù gì, đó cũng là một sở thích đẹp, hâm nóng thêm một nét nhân văn trong văn hóa Việt đã một thời bị phai nhạt. Từ chỗ chỉ có vài mâm chiếu của các cụ đồ mái tóc bạc trắng như cước giờ có cả những ông đồ còn ở lứa tuổi thanh niên. Nói là trẻ nhưng họ vẫn taọ được cho mình cái "thần lực" trên đầu bút.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xin-chu-dau-nam-net-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-viet-20201231000000859.html