Đây cũng là năm cả nước tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn. Tuy nhiên, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế trên mọi mặt trận...

Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2020 của CTCP Chứng khoán Rồng Việt với tựa đề "Cơ hội lớn thường đến trong những thời điểm khó khăn", ổn định tỷ giá chính là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019.

Tính tới ngày 15/12, tỷ giá giao dịch trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do không thay đổi trong khi tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,8% lũy kế và cân bằng lại với tỷ giá giao dịch trên thị trường.

Nhìn lại đường đi của tỷ giá trung tâm trong năm 2019, đan xen các đợt điều chỉnh tăng là những lần đi ngang khi tỷ giá giao dịch trên thị trường nổi sóng. Đây có lẽ là nghệ thuật điều hành của NHNN trong việc ổn định tâm lý thị trường.

Trong năm 2019, tổng lượng cung ngoại hối duy trì ổn định là điểm nhấn chính giúp điều tiết tỷ giá cũng như tăng dự trữ ngoại hối lên trên 73 tỷ USD. Trong khi lượng tiền kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, dòng vốn

FDI giải ngân đạt 20 tỷ USD, tăng trưởng 8%/năm. Báo cáo ghi nhận những quan ngại liên quan đến triển vọng vốn FDI khi tổng lượng vốn đầu tư mới và tăng thêm trong năm 2019 giảm 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, nguồn cung ứng ngoại tệ từ dòng vốn FDI vẫn sẽ tích cực trong năm 2020. Thay vì quan tâm đến số liệu tăng trưởng tổng vốn đăng ký, bổ sung, báo cáo tập trung hơn tới số lượng dự án đầu tư có thể giải ngân ngay trong năm cũng như đặc điểm của các dự án.

Nhìn lại giai đoạn 2017 - 2018, dòng vốn FDI đăng ký có sự đóng góp từ các dự án tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng và bất động sản. Năm 2017, các dự án nhiệt điện tỷ đô hầu như đều chậm trong tiến độ giải ngân do quá trình huy động vốn và đánh giá tác động môi trường. Ví dụ như dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Sumitomo đề xuất đầu tư từ 2006, được cấp chứng nhận đầu tư cuối năm 2017, được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường và kỳ vọng sớm có thể khởi công trong nửa cuối năm 2019.

Tuy nhiên, trong năm 2019, mặc dù vắng bóng hẳn các dự án tỷ USD nhưng số lượng các dự án có quy mô tầm trung, 100 - 500 triệu USD và tập trung vào hoạt động chế biến chế tạo tăng đáng kể. Tại Đồng bằng sông Hồng, số lượng dự án đăng ký mới tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nam tăng trưởng đột biến trên 20% so với cùng kỳ và tập trung vào lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, điện tử.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An vẫn là tỉnh thu hút dòng vốn FDI đăng ký mới. Bên cạnh đó, sự phân bổ các dự án FDI trong năm 2019 khá rộng khi xuất hiện các dự án tầm trung tại Nghệ An, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang,...

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu duy trì sự lạc quan vào triển vọng thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh việc đa dạng hóa đối tác thương mại, ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, khu vực tư nhân tại Việt Nam đang chủ động đầu tư nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, báo cáo cho rằng các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến & giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử) trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft,...

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng tỷ giá trong năm 2020 vẫn là một ẩn số khi rủi ro Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam đang tăng lên. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong danh sách thâm hụt thương mại của Mỹ, chỉ sau Nhật Bản, Đức, Mexico và Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu sang thịtrường Mỹ tăng gần 30% so với cùng kỳ trong năm 2019. Trong khi báo cáo chưa ghi nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất ồ ạt sang Việt Nam, điều kiện sản xuất hiện tại của Việt Nam khó có thể so sánh với các nước kể trên và kết quả thâm hụt thương mại trên 43 tỷ USD thật khó tưởng tượng.

Được biết, 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo. Đây cũng là năm cả nước tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn. Tuy nhiên, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế...

Nhiệm vụ hiện thực hóa chỉ tiêu xuất khẩu năm 2020

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2020, kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, chủ nghĩa bảo hộ vẫn diễn biến phức tạp, tác động mạnh tới xuất khẩu của nước ta.

Trong nước, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn hạn chế, do đó ngành Công Thương không chỉ cần nỗ lực, quyết tâm cao mà còn phải sáng tạo hơn, đổi mới hơn, khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch được Chính phủ và Thủ tướng giao.

Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD, đi liền với số đó là xuất siêu đạt 15 - 17 tỷ USD.

Để đạt được các yêu cầu này, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng kết nối với các doanh nghiệp FDI và tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trọng tâm thứ hai, ngành sẽ khắc phục những tồn tại để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung phát triển thị trường trong nước, kích cầu nội địa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

“Việt Nam sẽ thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 để nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, tập trung hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA) và có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội do hiệp định này tạo ra”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam