Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có 32% DN vừa và nhỏ của Việt Nam đã thiết lập kinh doanh với các đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.
Việc gia nhập những nền tảng thương mại điện tử B2B (Business to Business) sẽ giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận được thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Thông qua kênh trực tuyến, DN ngồi trong văn phòng vẫn có thể giao dịch với khách hàng.
Ông Minh Cương, đại diện một DN về thảo dược cho biết, mặc dù mới tham gia xuất nhập khẩu trực tuyến được 1 năm, tuy nhiên Cty của ông Cương đã có rất nhiều khách hàng, trung bình từ 5 - 10 khách hàng/ngày.
Xuất khẩu trực tuyến mang lại không ít lợi ích cho DN và điều này càng được khẳng định rõ hơn khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra. (Ảnh minh họa) |
Theo đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công thương, đối với phương thức xuất khẩu trực tuyến, DN Việt Nam có hai kênh chính để sử dụng. Thứ nhất, tìm đối tác nước ngoài thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Thứ hai, thông qua kênh này bán trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng ở nước ngoài.
Trên thực tế, với phương thức giao dịch truyền thống, bên cạnh các thủ tục rườm rà, nhiều DN vẫn phải chịu chi phí khi muốn tìm đối tác nước ngoài hay xúc tiến thương mại. Vì vậy, phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến là cơ hội lớn để giảm chi phí thời gian, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa tìm kiếm thông tin bạn hàng, xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, giao dịch và thanh toán…
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ của Việt Nam còn khó tiếp cận các hoạt động xuất khẩu trực tuyến. Số liệu thống kê cho thấy, 66% DN vừa và nhỏ là DN có quy mô siêu nhỏ khó có thể xuất khẩu trực tiếp.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nhận định, tiềm năng xuất khẩu trực tuyến của các DN vừa và nhỏ của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên các DN còn hạn chế về thông tin và kiến thức về thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới dẫn đến việc tham gia xuất khẩu trực tuyến còn nhiều khó khăn và chưa hiệu quả.
Chia sẻ về nguyên nhân kênh xuất nhập khẩu trực tuyến chưa thực sự được ưa chuộng, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, DN chưa có đủ kỹ năng để tự tin bán hàng trên các kênh trực tuyến tới tận tay người tiêu dùng. Thời gian qua, cơ quan này đã làm việc với rất nhiều nhà cung cấp giải pháp, các đơn vị tư vấn để hỗ trợ DN tiếp cận các cách thức xuất khẩu sản phẩm mới trên thị trường. “Chúng tôi mong thời gian tới, các DN có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa và tìm thêm được các kênh mới, nhiều bạn hàng mới”, ông Dũng nói.
Để giúp đỡ các DN gặp khó khăn khi áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu, Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam đã ra mắt với mục tiêu tìm kiếm các gói dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho DN để tìm kiếm bạn hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh tại một số thị trường lân cận. Bên cạnh đó, một số sàn giao dịch điện tử lớn trên thế giới đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực kinh doanh trên toàn cầu.
Điển hình như Amazon đã phối hợp với Bộ Công thương triển khai hỗ trợ cho khoảng 200 DN xuất khẩu hàng hóa thông qua trang Amazon. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Amazon sẽ ưu tiên cho DN Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu của DN và hàng hóa Việt Nam, đào tạo cho DN...
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng khi việc ứng dụng thương mại điện tử đang ngày càng được quan tâm và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, mang lại khả năng kết nối ngày càng mạnh mẽ giữa DN trong và ngoài nước.