Hiện nay các khu công nghiệp ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động, 80% còn lại đang phải thuê ở ngoài
Hiện nay các khu công nghiệp ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động, 80% còn lại đang phải thuê ở ngoài

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn thành phố tăng so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng.

Quý 1/2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động.

Về vấn đề chỗ ở, ông Lê Đình Hùng cho biết, hiện nay, ngoài 3 khu công nghiệp là: Thạch Thất (Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động thì các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân.

Vì thế, khoảng trên 80% người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo và phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Tình trạng này lại càng khó khăn với công nhân lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất.

Vấn đề nhà ở cho công nhân còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Người lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Đặc biệt, khối trường THPT còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường THPT công lập đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường THPT dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của công nhân lao động.

Phản hồi về nội dung này, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đang được Trung ương, thành phố, Thành ủy, hết sức quan tâm.

UBND thành phố cũng đã ban hành rất nhiều chính sách để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội như: Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030; giai đoạn 2021-2025, trong đó định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch này. Hà Nội cũng đang có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân.

Hà Nội cũng đã giao các đơn vị khẩn trương phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

Trả lời thêm về chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Thành phố sẽ làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được nhà ở và sẽ có đề xuất chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội nhưng việc này cần thời gian và lộ trình...

Về những vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, tư pháp… Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh thành phố cùng các Sở ngành đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc anh chị em công nhân không phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công; tháng 7 UBND thành phố sẽ trình HĐND xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố với điều kiện làm trực tuyến. Để công nhân lao động dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 29 cơ sở khám, chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ cho người bệnh và được thanh toán đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Hiện nay, BHXH thành phố đã tham mưu chủ tịch UBND thành phố hằng năm có văn bản chỉ đạo giao Sở Y tế phối hợp với BHXH yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện khám chữa bệnh kể cả vào ngày nghỉ lễ, Tết, chủ nhật.

Theo đó, giao trách nhiệm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh.

Đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-no-i-den-nam-2030-100-khu-cong-nghie-p-co-nha-o-cho-cong-nhan-336808.html