Muốn mạnh phải liên hiệp lại

Là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông lâm thủy sản không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn để xuất khẩu. Theo đó, năm 2018, nông thủy sản xuất khẩu đã đem về cho Việt Nam trên 40 tỷ USD.

Máy móc chưa làm vơi bớt mệt nhọc của nông dân

Song, hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị thấp. Hàng hóa nông sản luôn trong tình trạng được mùa thì rớt giá, xuất khẩu thô, khó cạnh tranh với các đối thủ trên "chợ nông sản toàn cầu".

Đáng chú ý, Việt Nam có tới 8,6 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ có trên 25,5 ngàn hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và 619,3 ngàn hộ tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn. Số còn lại vẫn sản xuất theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ.

Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có 1.478 mô hình chuỗi liên kết. Doanh nghiệp nông nghiệp cũng chỉ dừng ở con số 9.235, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp.

Chia sẻ về câu chuyện liên kết trong ngành sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc một công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho biết, không chỉ cơ quan Nhà nước mà từ doanh nghiệp đến nông dân đều nhìn thấy canh tác trồng lúa với quy mô hộ gia đình đã không còn phù hợp vì nhỏ lẻ, manh mún, không có đủ sản phẩm hàng hóa có chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu để đáp ứng thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu.

Thế nên, dù Việt Nam có lợi thế về sản xuất lúa gạo với sản lượng lúa thu hoạch hàng năm khoảng trên 40 triệu tấn, xuất khẩu 5-7 triệu tấn/năm luôn đứng ở vị trí hàng đầu, nhưng giá trị thường thấp nhất nhì trên thế giới.

Điều này khiến gần 20 triệu nông dân vùng ĐBSCL (vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm 99% số lượng gạo xuất khẩu của nước ta) năm nào cũng thấp thỏm lo âu về đầu ra của lúa gạo, thu nhập bấp bênh.

Ông Bình cho rằng, đất đai vùng ĐBSCL và Đồng bằng Sông Hồng rất đa dạng về thổ nhưỡng vùng miền, có nhiều lợi thế để sản xuất nhiều loại gạo có giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp một cách ổn định lâu dài. Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ mang lại hiệu quả khi canh tác theo mô hình liên kết.

Cần nhiều “cánh đồng lớn liên kết” 

Nông nghiệp Việt Nam cần nhiều hơn những cánh đồng mẫu lớn

Theo ông Bình, gạo Việt Nam rất ngon, từ gạo thơm đặc sản trồng tại tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên... đến gạo Tám Hải Hậu, nếp cái hoa vàng của miền Bắc,... Những loại gạo này có thể đáp ứng được từ thị trường dễ tính đến cao cấp, khó tính nhất.

Song, để làm được thương hiệu gạo, nâng cao giá trị hạt gạo, ông Bình cho rằng cần làm “cánh đồng lớn liên kết” bởi doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng đồng đều, truy xuất được nguồn gốc, có nguồn hàng ổn định…

Dù chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo đang cho thấy hiệu quả cao, song ông Bình thừa nhận rất khó triển khai nhiều và nhân rộng mô hình bởi doanh nghiệp thiếu vốn.

Trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp duy nhất là vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã kiểu mới hay bắt tay liên kết cùng với các doanh nghiệp nông nghiệp làm hàng hoá ở quy mô lớn, theo chuỗi.

Thực tế hiện nay, có nhiều mô hình hợp tác xã đem lại thành công, nông dân tăng thu nhập khi liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm như ở Lục Ngạn (Bắc Giang), có những mô hình trồng vải thiều liên kết với doanh nghiệp để đưa quả vải đặc sản của địa phương xuất khẩu được sang Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,... với giá cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Tương tự, chuỗi sản xuất lúa gạo hữu ở Quảng Trị cũng đang đem lại hiệu quả cao cho người nông dân trồng lúa. Ở đó, tham gia liên kết, người nông dân không còn lo mất mùa, rớt giá, thu nhập của họ luôn ổn định, đảm bảo có lãi.

Ở thời điểm hiện tại, nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 185 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới.Theo đánh giá chung, mặc dù đã được coi là “cường quốc” về xuất khẩu nông sản trên thế giới, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đây là bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Ông Park Hyang Jin, Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) cho rằng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đó là công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, thêm vào đó là sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước còn chưa phát huy tác dụng, đồng thời, sự liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.

Với những sản phẩm thô như chè, cà phê, hạt tiêu... nếu được chế biến sâu ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao thì giá trị gia tăng có thể gấp từ 5 - 10 lần hoặc nhiều hơn thế nữa.

hàng loạt điểm nghẽn khác của nông sản Việt Nam, đó là vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vì chưa được quản lý chặt chẽ nên bị ép cấp, ép giá khi mua vào để sử dụng hoặc mua phải hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, làm thiệt hại nặng nề cho người sản xuất. Hàng hóa khi sản xuất ra đến kì thu hoạch vì không có điều kiện bảo quản đúng tiêu chuẩn, ít kho dự trữ chiến lược, dẫn tới tổn thất hao hụt lớn từ 20-30%.

Tháo gỡ điểm nghẽn trong xuất khẩu nông sản

Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản.

Mặc dù đã xuất khẩu sang 185 nước trên thế giới nhưng trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thử thách bởi  rào cản kĩ thuật ngày càng chặt chẽ của các nước. Ngoài ra, các nước nhập khẩu hàng hóa rất quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc. Rộng hơn, họ còn quan tâm đến các lĩnh vực khác có liên quan đến sản xuất hàng hóa như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, vấn đề sử dụng lao động trẻ em, minh bạch công khai trong quá trình sản xuất hàng hóa của Việt Nam…

Chuyên gia các nước hiến kế, muốn xuất khẩu được những hàng hóa có chất lượng, trước hết người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp phải luôn lắng nghe, thấu hiểu những nhu cầu sở thích của người tiêu dùng các nước để luôn luôn đổi mới và cải tiến cho phù hợp, cần chú ý nâng cao tính trung thực và trách nhiệm giải trình khi có vướng mắc giữa các bên.

Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ cũng tác động nhiều đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, việc giao dịch với các đối tác không chỉ  làm trực tiếp mà còn có thể giao dịch thông qua Amazon, Google…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được cơ hội vàng từ những hiệp định đã được ký kết. Trong công tác xuất khẩu hàng hóa, rất cần có sự đồng hành từ Chính phủ, người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất một cách đồng bộ.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Phú, cần làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất trên thế mạnh của các địa phương, của các vùng miền cả nước, cần có chính sách đầu tư hợp lý và hiệu quả cho những vùng sản xuất được quy hoạch. Sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản cần đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản, các kho dự trữ, hệ thống giao thông vận chuyển, đảm bảo sự hoạt động nhịp nhàng có hiệu quả của các tổ hợp sản xuất công nông nghiệp hoàn chỉnh. Vừa nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa giải quyết đầu và và đầu ra, giảm bớt những tổn thất không mong muốn.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam