Trong hội thảo ngày 27/10 vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã thống nhất sẽ thành lập phòng tư vấn tâm lý cho học sinh trên địa bàn.
Phó giám đốc Sở, Phạm Xuân Tiến cho biết "Học sinh khi bắt đầu đến trường là có những quan hệ ngoài gia đình. Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng nhiều và phức tạp. Do chưa có hiểu biết, kinh nghiệm ứng xử, học sinh rất dễ bị tổn thương, không biết xử trí thế nào là đúng sai và có thể chọn hành vi sai lệch".
Vì thế, việc thành lập một phòng tư vấn tâm lý để gỡ rối những vấn đề cảm xúc và tình cảm cho học sinh là điều hoàn toàn đúng đắn.
Trước đây, vào tháng 6/2014, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã phối hợp cùng tổ chức Plan International thành lập mô hình đưa phòng tư vấn tâm lý vào thí điểm tại 20 trường THCS và THPT trên địa bàn.
Tuy nhiên, các phòng tư vấn tâm lý chỉ mới được đầu tư cơ sở vật chất như sách báo về giáo dục giới tính để các em tham khảo, rất ít trường có cán bộ tư vấn tâm lý.
Theo quy định mới của sở GD, phòng tư vấn tâm lý phải thực hiện thật nghiêm túc. Giáo viên được bố trí làm công tác tư vấn tâm lý và được tính vào số tiết giảng dạy.
Tuy nhiên điểm khó khăn là giáo viên vẫn chưa có chuyên môn trong việc tư vấn tâm lý cho học sinh. Đổi lại, điểm có lợi là giáo viên hiểu rõ môi trường của các em hơn để đưa ra lời khuyên hiệu quả.
Trước những rắc rối này, Trưởng phòng Tư tưởng chính trị của Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, sẽ có kế hoạch để năm 2018, các giáo viên được tập huấn về tư vấn tâm lý.