Trước đó, Việt Nam được đánh giá là nước có đủ các yếu tố nguy cơ để dịch hoành hành “chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc”. Nhưng đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã bước đầu thắng lợi, không ghi thêm ca nhiễm mới.
Việc cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng đã kết thúc vào thời điểm 0 giờ ngày 4/3. Các địa phương trên cả nước đã thực hiện triệt để việc cách ly trường hợp đến từ vùng dịch và những người tiếp xúc gần, mọi kịch bản ứng phó đều sẵn sàng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, bước đầu Việt Nam đã kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thận trọng và đã tính đến kịch bản 5 bước, trong đó khẳng định Việt Nam có thể ứng phó tốt khi có 3.000 bệnh nhân và hơn thế. Với những kinh nghiệm đã có, phương châm của Việt Nam là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để, như "dập đống lửa không để âm ỉ".
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và chưa có vaccine hay thuốc đặc trị thì không thể lơ là, chủ quan, bởi chỉ cần một ca nhiễm không được kiểm soát, dịch sẽ lan rộng và bùng phát trong cộng đồng. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra, nếu mỗi người dân chủ quan, không ý thức việc phòng dịch cho chính mình và cộng đồng.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, dù đã thắng lợi bước đầu nhưng hoàn toàn không nên "thắng lợi tinh thần". Đây là điều tối kỵ trong phòng chống dịch bệnh lây nhiễm đường hô hấp!
Nhưng, một vấn đề xã hội hiện nay là nhiều người dân lại lo lắng thái quá dẫn đến những hành động tiêu cực, như không dám ra khỏi nhà, không dám đi thang máy, không dám đi chợ, siêu thị, thậm chí xin nghỉ làm để ở nhà trốn dịch. Nhiều người ở trong nhà cũng đeo khẩu trang kín mít suốt ngày đêm để virus không có cơ hội xâm nhập. Hơn thế, nhiều người lại còn truyền bá nhau sử dụng những “bài thuốc” phản khoa học như uống nước tiểu nhằm tăng sức đề kháng, xịt cồn khắp người diệt virus…
Ngoài ra, nhiều người không tin vào những số liệu chính thống được cơ quan chức năng cung cấp, dẫn đến ngờ vực, cho rằng Việt Nam đang giấu dịch. Bởi vậy, nhiều thông tin không đúng sự thật, như hàng loạt ca nhiễm, tử vong do Covid-19 ở địa bàn này, bệnh viện kia được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người dân.
Phép “thắng lợi”, sự chủ quan hay quá lo lắng, hoang mang đều gây bất lợi cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Nguy cơ Việt Nam ghi nhận thêm ca nhiễm mới là hoàn toàn có thể, nhất là chiều qua (4/3), Bộ Y tế thông tin trường hợp một người Nhật nhiễm Covid-19 có mặt trên chuyến bay của Vietnam Airlines khiến toàn bộ tổ bay và 73 hành khách phải cách ly. Vậy nên, mỗi người dân dù ở nhà, đến công sở hay nơi công cộng, hãy có ý thức phòng dịch và làm đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Hãy bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh để Việt Nam sớm khống chế, kiểm soát và công bố hết dịch như mong đợi của Chính phủ cũng như mọi công dân Việt.