Báo Vietnamnet đưa tin, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố các số điện thoại đường dây nóng của các quận, huyện, thị xã để người học, phụ huynh và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định năm học 2018-2019 tại các trường trên địa bàn.
Phụ huynh có thể liên lạc nếu phát hiện tình trạng lạm thu ở địa bàn mình theo các số điện thoại cụ thể như sau:
Ngoài cách phản ánh trực tiếp về việc thu chi không đúng quy định tại các trường địa phương vào đường dây nóng, quý phụ huynh và người dân có thể gọi điện trực tiếp vào số điện thoại của Sở GD&ĐT Hà Nội: 088.899.6970. Từ đó, Sở sẽ có các biện pháp xác minh và xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Lưu ý, để phản ánh thông tin về các hiện tượng thu chi không đúng quy định tại các trường thuộc địa bàn quận, huyện, thị xã nào, quý phụ huynh và người dân nên gọi điện về số điện thoại đường dây nóng của quận, huyện, thị xã đó.
Thời gian hoạt động của đường dây nóng từ ngày 15/8/2018 đến ngày 30/10/2018.
Trước đó, VTV cũng thông tin rằng, Sở cũng đã có công văn hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2018 - 2019 gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các trường THPT và các đơn vị trực thuộc.
Cụ thể, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp: Công khai mức thu học phí; tăng cường công tác nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu tiền trường và tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập phải tuân thủ nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.
Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên.
Trao đổi với PV của Đời sống & Pháp lý, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, để xảy ra lạm thu nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ sở cố tình thực hiện sai quy định của nhà nước, có nhiều hoạt động biến tướng để thu tiền học sinh; phụ huynh mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản ngoài quy định của nhà nước”.
Vì thế, Bộ GD&ĐT đưa ra một số giải pháp căn bản để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học mới 2018 - 2019.
Thứ nhất, các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của các cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng áp đặt.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đảm bảo nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo Quyết định số số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện thu các khoản thu theo đúng quy định.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện việc xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục để kêu gọi mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho ngành giáo dục.
Bộ GD&ĐT cùng UBND các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu.