Cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới đang thay đổi đáng kể khi các quốc gia và chính quyền địa phương sử dụng các phương pháp khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đồng thời cho phép xã hội tiếp tục hoạt động dưới một hình thức nào đó.

Lớp học 2.0

Đối với nhiều quốc gia, các trường cần được mở cửa lại trước tiên. Đan Mạch bắt đầu với các học sinh dưới 12 tuổi. Sân trường được chia thành khu, lớp học thu hẹp sĩ số, bàn học đặt cách nhau 2m. Trẻ em đến trường và nghỉ giải lao trong khoảng thời gian so le, rửa tay trước khi vào lớp và được khuyến khích ở bên ngoài càng nhiều càng tốt. Các bề mặt bao gồm bồn rửa, ghế vệ sinh và tay nắm cửa được khử trùng hai lần mỗi ngày.

Các lớp học Đan Mạch thu hẹp sĩ số, mỗi em ngồi cách nhau 2m.

Thẻ miễn dịch kỹ thuật số

Chile sẽ bắt đầu phát hành thẻ miễn dịch kỹ thuật số trong tuần này cho những người nhiễm Covid-19 đã hồi phục. "Thẻ Covid" sẽ được cấp cho những người có kết quả dương tính với virus và những người đã có dấu hiệu phục hồi sau khi cách ly 14 ngày.

Buồng khử nhiễm chợ rau quả La Vega Central ở Santiago, Chile.

Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock cho biết quốc gia này đã xem xét ý tưởng về "giấy chứng nhận miễn dịch" hoặc hộ chiếu để cho phép những người có kháng thể được trở lại cuộc sống bình thường.

Phong tỏa cuối tuần

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện phong tỏa hoàn toàn cuối tuần tại 31 tỉnh.

Trong tuần, lệnh ở nhà chỉ áp dụng cho những người dưới 20 tuổi hoặc trên 65 tuổi. Tất cả các công dân khác được phép ra ngoài mặc dù nhiều doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa, các nhà hàng mở cửa để phục vụ giao đồ ăn mang đi, ngân hàng rút ngắn thời gian làm việc.

Quốc gia Navajo ở Arizona cũng đã ban hành khóa lệnh phong tỏa cuối tuần nghiêm ngặt yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.

Tại Libya, người dân chỉ được phép đi bộ trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Giới hạn độ tuổi cụ thể

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất quyết định hạn chế di chuyển theo độ tuổi. Ở Thụy Điển, những người từ 70 tuổi trở lên đã được yêu cầu ở nhà.

Sử dụng thiết bị máy bay không người lái

Một số quốc gia đã sử dụng thiết bị máy bay không người lái để theo dõi việc thực hiện phong tỏa. Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc gia Ý (ENAC) cho phép sử dụng máy bay không người lái để theo dõi việc di chuyển của người dân.

Một sĩ quan cảnh sát lái máy bay không người lái DJI Mavic 2 Enterprise có cảm biến nhiệt để kiểm tra nhiệt độ của người dân tại Treviolo, gần Bergamo, Ý.

Không lâu sau khi Anh công bố các biện pháp phong tỏa vào cuối tháng 3, một lực lượng cảnh sát đã đăng một đoạn video quay cảnh máy bay không người lái cho thấy mọi người đi bộ qua Công viên quốc gia quận Derbyshire.

Công ty máy bay không người lái thương mại Draganfly đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Úc và Đại học Nam Úc để triển khai "máy bay không người lái" nhằm "theo dõi nhiệt độ, nhịp tim và hô hấp, cũng như phát hiện mọi người hắt hơi và ho trong đám đông."

Trung Quốc và Kuwait đã sử dụng máy bay không người lái để ra lệnh cho mọi người trở về nhà.

Theo Gia đình Việt Nam