Vấn nạn hàng giả như là căn bệnh “ung thư” của các website TMĐT
Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25% đến 30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử hơn 8 tỷ USD.
Song hành với tốc độ phát triển của TMĐT là sự phát sinh của nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của TMĐT, hiện tượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet.
Việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và cả trên những sàn TMĐT lớn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thậm chí Jack Ma (nhà sáng lập và điều hành tập đoàn Alibaba) đã nhận định: "Vấn nạn hàng giả như là căn bệnh “ung thư” của các website TMĐT".
Để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, góp phần làm sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, vào ngày 18/4/ 2019, tại Hà Nội.
Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn và Tiki.vn là những sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam ký cam kết này. Các sàn TMĐT sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website nhằm minh bạch thông tin về số Hotline, quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn.
Hàng giả trên trang TMĐT lách luật bằng nhiều cách tinh vi
Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang được diễn ra một cách công khai trên TMĐT nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nói về vấn đề này, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Hiện nay, 75% hàng thương mại điện tử được bán trên mạng xã hội. Các mặt hàng này được bán một cách công khai, không có giấy tờ, mua bán không có hóa đơn chứng từ nhưng các cơ sở pháp lý, các chế tài để xử phạt thì chưa đầy đủ.
Ngoài ra, ý thức và hiểu biết của người mua cũng chưa cao, biết đó là hàng giả những vì thấy rẻ nên vẫn mua. Rồi đến việc hiểu biết của người bán hàng có sự hiểu biết hạn hẹp về pháp luật. Họ không hiểu một vấn đề rất căn bản đó là bán hàng fake cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một cuộc chiến rất căng go nên chúng ta cần sớm thay đổi để ngăn chặn nó".
Còn theo ý kiến của ông Đàm Thanh Thế – Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng phương thức TMĐT để thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…
Không khó để nhận thấy trên một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm với giá rẻ đến bất ngờ. Điển hình như trên trang Vatgia online, đồng hồ Rolex E10 có giá 599.000 đồng; đồng hồ nhãn hiệu Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm… Trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.
Vấn đề này được ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra ý kiến: "Hiện nay bất kỳ ai cũng có thể tham gia TMĐT và bán hàng trên mạng, nhất là mạng xã hội đang trở thành vấn đề nóng. Trong khi các gian thương thì luôn tìm cách né tránh cơ quan quản lý. Họ không chỉ bán hàng giả, hàng nhái mà còn công khai bán cả hàng cấm. Điều này khiến cho người dân bắt đầu sợ không dám mua hàng trên mạng vì không rõ đâu là thật – giả.
Bán hàng trên mạng đang bùng phát, từ doanh nghiệp tới cá nhân, từ học sinh, sinh viên tới cả các cán bộ của các cơ quan nhà nước cũng tham gia vào với số lượng cực kỳ nhiều và tất nhiên giá thành của họ bán rẻ hơn rất nhiều so với hàng thật của hãng. Thời gian gần đây, bùng nổ nhất là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trong khi chất lượng thì không đảm bảo.
Ngoài ra, các phương thức thanh toán cũng là điều khiến cho chúng tôi khó mà kiểm soát và bắt được các vụ vi phạm, vì hầu hết các phương thức thanh toán đều là trung gian như ship COD, nhận hàng thì trả tiền. Khi khách hàng thanh toán điện tử thì cũng rất khó để kiểm soát vì các ngân hàng cũng có những quy định riêng bảo mật thông tin của khách.
Chúng ta cần xử lý các trường hợp gian lận, vi phạm thương mại điện tử phải nhanh và mạnh hơn so với việc bán hàng ngoài thực tế, như vậy mới có hiệu quả".
Tuy nhiên, các doanh nghiệp TMĐT thì lại cho rằng, lỗi không hoàn toàn do họ và họ không kiểm soát được vấn đề đó. Ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ cho rằng, với đặc thù người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như giới thiệu về cả mẫu mã và chất lượng. Trong trường hợp này, nếu người bán cố tình lừa đảo, người mua đã thanh toán tiền trước thì phần thiệt luôn là người mua và rất khó xử lý.