Liên hệ với ngân hàng để nhờ xử lý nhưng anh Thanh chỉ nhận được những cuộc hẹn và giải quyết không đến nơi đến chốn.
Choáng váng vì 74 triệu biến mất
Sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Sĩ Thanh (SN 1982, quê Đồng Tháp) lên sinh sống tại Khu phố Bình Thung 2, P.Bình An, Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
Hằng ngày, anh phải vượt hơn 10km lên Khu công nghệ cao (Q.9, TP.HCM) làm việc.
Để thuận tiện hơn trong việc nhận lương của công ty, anh Thanh bắt đầu sử dụng dịch vụ ATM của ngân hàng Đông Á (được đăng kí tại chi nhánh ngân hàng Đông Á KCN Sóng Thần, P.Dĩ An, Thị xã Dĩ An, Bình Dương) từ năm 2011.
Kể từ đó đến nay, các giao dịch qua ATM ngân hàng Đông Á của anh Thanh đều không có trục trặc gì quá lớn cho đến trước ngày vợ chồng anh chuẩn bị về thăm quê vợ.
Anh Thanh kể lại rằng, đúng ngày 21 hằng tháng, công ty sẽ chuyển một lần toàn bộ tiền lương vào tài khoản cho nhân viên.
Đinh ninh như vậy, đến ngày 22-7-2016, anh Thanh nhờ vợ đi rút tiền để hai vợ chồng cùng về thăm quê. Tuy nhiên, khi thực hiện in sao kê trên máy ATM, vợ anh Thanh ngã ngửa khi tài khoản hàng chục triệu đồng của chồng bất ngờ “bốc hơi”, chỉ còn lại vỏn vẹn 18 triệu đồng tiền lương mà công ty anh Thanh vừa chuyển.
“Vợ tôi như người mất hồn, mặt mày tái nhợt. Cô ấy bước vào nhà còn không nổi vì tài sản của vợ chồng chỉ còn chừng ấy, nay bỗng dưng biến mất thì cuộc sống không biết thế nào? Khoảng 19 giờ cùng ngày, tôi có trình báo qua tổng đài ngân hàng Đông Á để báo cáo vụ việc và nhờ khóa thẻ. Tổng số tiền tôi mất là 74 triệu đồng”, anh Thanh cho biết.
Sau đó, anh Thanh nhiều lần liên lạc với ngân hàng Đông Á để yêu cầu xử lý vụ việc và có câu trả lời thỏa đáng về số tiền bị mất. Theo anh Thanh, nhân viên tư vấn phía ngân hàng cho biết thời hạn xử lý đối với các vấn đề trong nội bộ Đông Á là một tuần.
Sau nhiều lần liên lạc, đến ngày 6-8-2016, đại diện Chi nhánh ngân hàng Đông Á số 130 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM liên lạc và mời anh Thanh đến làm việc vào ngày 9-8-2016 về vấn đề số tiền 74 triệu trong thẻ ATM bỗng dưng biến mất.
Đông Á đẩy trách nhiệm cho cơ quan điều tra?
Trong biên bản làm việc ngày 9-8 có chữ ký của đại diện 2 bên, phần trình bày của Ngân hàng Đông Á nêu rõ: “Căn cứ theo các chứng từ ghi nhận từ hệ thống lưu trữ thông tin giao dịch ATM của DongA Bank, số thẻ 970406036751XXXX có phát sinh một số giao dịch rút tiền.
Cụ thể: Ngày 14-7-2016, tài khoản phát sinh 2 giao dịch với tổng số tiền 20 triệu đồng tại máy ATM 3383 - 59 NTMK (Nguyễn Thị Minh Khai), P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM.
Trong các ngày 16, 17 và 18-7, tài khoản phát sinh thêm 7 giao dịch khác ở các máy ATM 1725 - 763 Trường Chinh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM; ATM 3665 và 1004 - 139 Nguyễn Văn Trỗi, P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; ATM 3067 - 6 Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM với tổng số tiền 54 triệu đồng”.
Tuy nhiên, anh Thanh cho rằng 9 giao dịch phát sinh trong 4 ngày nêu trên không phải do anh và người thân thực hiện.
Xem qua hình ảnh camera tại các máy ATM mà ngân hàng cung cấp, anh Thanh không nhận dạng được người rút tiền là ai. Theo biên bản, anh Thanh khẳng định giao dịch cuối cùng bằng thẻ của anh do vợ thực hiện tại máy ATM của ngân hàng liên kết vào ngày 20-5-2016.
Anh Thanh thông tin thêm: “Hai vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, bé lớn 12 tuổi, bé nhỏ 5 tuổi. Trong nhà chỉ có hai vợ chồng biết mật khẩu thẻ ATM, tuyệt đối không có người thứ ba biết.
Vợ tôi là người quản lý thẻ, sau khi rút xong, vợ mang thẻ cất vào tủ chứ không mang theo đi làm hay mang đi ra ngoài. Khả năng thẻ bị người khác lấy đi rút tiền và trả về chỗ cũ là không thể.
Do cả hai vợ chồng đều đi làm nên thẻ được bỏ vào tủ khóa ở nhà và không có thực hiện bất kỳ giao dịch nào theo thời gian khai báo như trên.
Tôi có các chứng cứ chứng minh mình không mất thẻ, không cho mượn thẻ hoặc để lộ bất kì thông tin cá nhân nào. Chưa kể các giao dịch gian lận đều được thực hiện trên máy ATM của Đông Á ở khu vực TP.HCM, trong khi tôi cư ngụ tại Thị xã Dĩ An, Bình Dương. Chưa hết, hàng ngày, tôi đều bấm thẻ ra vào của công ty trong suốt thời gian làm việc”.
Anh Thanh cho biết, trong biên bản làm việc ngày 9-8, anh yêu cầu ngân hàng phải trả lời về vấn đề này, chậm nhất là ngày 15-8-2016 và hai bên cùng ký. Nhưng đến hẹn, ngân hàng Đông Á lại gọi điện thoại xin gia hạn thêm 5 ngày (tức là đến ngày 20-8-2016) sẽ có câu trả lời cuối cùng.
Đến ngày 24-8, anh Thanh nhận được Thư thông báo do Phó Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á Nguyễn An ký, được phát đi ngày 17-8 có nội dung: “Ngay khi tiếp nhận khiếu nại, DongA Bank đã cho ra soát lại và thấy tài khoản của Quý khách (anh Thanh – PV) có phát sinh 9 giao dịch rút tiền trên ATM với tổng số tiền 74 triệu đồng trong các ngày 14, 16, 17 và 18-7-2016...
DongA Bank có công văn và kèm hình ảnh người giao dịch gửi đến cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực theo dõi tiến trình xử lý, hối thúc và phối hợp điều tra nguyên nhân vụ việc để sớm có kết luận cuối cùng để phản hồi thoả đáng đến Quý khách... DongA Bank cam kết quyền lợi của Quý Khách sẽ luôn được bảo vệ nếu trường hợp kết luận Quý khách không có lỗi trong sự việc này”.
Sau khi nhận được thông báo, anh Thanh bức xúc: “Chúng tôi không hài lòng về việc ngân hàng chậm trễ phản hồi cũng như thông báo và bồi hoàn số tiền đã mất của tôi. Tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra khi có yêu cầu.
Tôi đề nghị ngân hàng Đông Á phải có trách nhiệm và phương án giải quyết với số tiền 74 triệu đồng bị mất trong một ngày cụ thể sớm nhất, bởi đó là những tài sản tôi dành dụm được để lo cho cuộc sống gia đình và 2 con ăn học”.
“Tại sao Đông Á lại không có biện pháp hỗ trợ khách hàng trong trường hợp này. Việc kéo dài thời gian xử lý vụ việc ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống tinh thần và vật chất của gia đình tôi. Nó khiến tôi mất niềm tin vào uy tín của ngân hàng”, anh Thanh nói.