Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phan Tâm, sự phát triển mạnh mẽ của internet trong thời gian qua đã đem lại các lợi ích to lớn và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia.

Tính đến cuối năm 2016 đã có 329,3 triệu tên miền được đăng ký trên thế giới, tăng 6,8% so với năm 2015.

Như vậy, mức tăng trưởng này nhiều hơn mức tăng trưởng GDP thế giới (năm 2016 là 3,1% theo Quỹ tiền tệ thế giới).

Tuy vậy, Internet phát triển cũng đồng thời làm gia tăng các vấn đề của xã hội, đặc biệt xảy ra ngày càng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng các website, đưa các thông tin xấu độc, sai sự thật mà Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục xử lý.

Do vậy, để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững xã hội thông tin, việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam cũng cần được quản lý chặt chẽ.

 Ảnh minh họa.

Về mặt kỹ thuật, tên miền Internet là công cụ để truy cập các nội dung đặt tại máy chủ được định danh bởi địa chỉ IP đi kèm theo tên miền. Trên thực tế, một số chủ thể và người dùng cho rằng có thể sử dụng tên miền quốc tế để tránh được sự quản lý, kiểm soát của các quy định pháp luật của Việt Nam.

Theo pháp luật Việt Nam, các chủ thể sinh sống và làm việc tại Việt Nam khi tham gia kết nối Internet dù sử dụng tên miền quốc gia của Việt Nam ".vn" hay tên miền quốc tế đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý thông tin trên mạng.

Trong thời gian qua, các vi phạm xảy ra ở các trang mạng sử dụng tên miền quốc tế có tỉ lệ cao hơn ở tên miền quốc gia ".vn". Tuy vậy, công tác xử lý vẫn chưa được quan tâm một cách phù hợp.

Theo kết quả của đợt rà soát các nhà đăng ký tên miền quốc tế do VNNIC thực hiện, có 96 nhà đăng ký cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền được công bố trên trang thongbaotenmien.vn.

Trong đó có 32/96 đơn vị có báo cáo cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế với Bộ TT&TT, có Giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng ký với Tổ chức quản lý tên miền quốc tế - ICANN hoặc hợp đồng ký với nhà đăng ký tên miền chính thức của ICANN để cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam; 15/96 đơn vị không đủ hồ sơ là nhà đăng ký tên miền quốc tế, do hợp đồng với tổ chức chưa được ICANN công nhận; không có hợp đồng, chưa có Giấy phép hoạt động kinh doanh.

Có 49/96 đơn vị không phản hồi và không liên hệ được khi VNNIC gửi công văn yêu cầu cung cấp hồ sơ xét duyệt (8/49 đơn vị này có báo cáo danh sách tên miền quốc tế hàng quý với VNNIC; 7/96 đơn vị ngừng cung cấp dịch vụ đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế).

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, 95% vụ việc vi phạm xuất phát từ tên miền quốc tế do không thiết lập chế tài quản lý từ đầu nên việc sai phạm ngày càng nhiều, khó xử lý thậm chí không thể xử lý, như các trường hợp sử dụng trùng tên lãnh đạo cấp cao nhà nước để lập trang tin điện tử gây nhiễu loạn, mất an toàn an ninh do không quản lý được thông tin chủ thể tên miền.

Hội nghị cũng nhấn mạnh rằng hiệu quả thực thi công tác quản lý, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam chưa cao. Cụ thể, việc giám sát thực thi các quy định tên miền quốc tế còn yếu, chưa tạo được ý thức chấp hành từ cộng đồng người sử dụng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định quản lý tên miền quốc tế chưa thực hiện thường xuyên, sâu, rộng đến cộng đồng người sử dụng, việc thông báo sử dụng qua môi trường mạng, tính xác thực thông tin không cao,...

Theo Tuấn Việt/Reatimes