Cụ thể, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/03/2016 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, có 15 đối tượng được miễn học phí kể từ ngày 16/05/2016.

Nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí từ ngày 16/05/2016

Trong đó, có 4 nhóm đối tượng không phải đóng học phí là:

  • Học sinh tiểu học trường công lập
  • Học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước
  • Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học
  • Các ngành chuyên môn đặc thù do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành

Có 11 nhóm đối tượng được miễn học phí:

  • Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được hợp nhất tại văn bản số 01/VBHN-VPQH ngày 30/07/2012 của Văn phòng Quốc hội
  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ
  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ
  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định
  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng. Người từ 16 đến 22 tuổi thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang học phổ thông, học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
  • Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên)
  • Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học
  • Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ
  • Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn
  • Sinh viên cao đẳng, đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử… 

Nội dung chi tiết Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH xem tại đây

Theo Tố Uyên (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam