Nhiều học sinh vẫn ưa thích các cuốn sách giáo khoa truyền thống. Ảnh: Bảo Trọng

Cân nhắc giải pháp bảo đảm an toàn

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy vậy, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh hay học sinh không nên quá lo lắng. GS Thuyết cho rằng, trước tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương đã gây “sốc” khi đưa ra những đề xuất điều chỉnh lịch học, ví dụ đang đầu tháng 2, đã có địa phương đề xuất nghỉ hết tháng 3.

Từ đó, có thể dẫn đến ảnh hưởng tâm lý tới chính quyền các địa phương khác, gây ảnh hưởng không đáng có lên tâm lý các phụ huynh, học sinh. Cũng theo ông Thuyết, việc cơ quan quản lý cho học sinh nghỉ học để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì việc học sinh cứ ở mãi nhà, có thể ảnh hưởng nền nếp, kỷ luật học tập đã được rèn giũa, các cơ sở giáo dục có thể nâng cao sự chuẩn bị để đón học sinh đến lớp. “Tôi giả thiết việc các trường đưa ra quy định cấm người lớn vào trường, bởi người lớn hay đi lại, tiếp xúc nhiều. Trang bị đầy đủ các loại dung dịch sát khuẩn, bổ sung hoặc đào tạo thêm cán bộ y tế túc trực tại các trường học để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, như vậy, sẽ tạo môi trường an toàn cho học sinh đến lớp” – GS Thuyết nói thêm.

Cần phân loại đối tượng nếu áp dụng

Phân tích về việc nên hay không triển khai mô hình học trực tuyến, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đã nhiều năm nay, ngành giáo dục luôn ủng hộ phương pháp học song bằng, với sự hỗ trợ của công nghệ. Ngay cả Chính phủ và các cơ quan công quyền, hiện đang nỗ lực để triển khai hệ thống quản lý trực tuyến, qua đó vừa giúp giản tiện phương pháp quản lý vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm đáng kể các khoản chi không cần thiết.

Tuy nhiên, ông Thuyết nhận định, việc có áp dụng đại trà được hay không cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. “Hiện nay hạ tầng công nghệ, kỹ thuật hầu như chưa đáp ứng được. Đây là lý do đầu tiên để áp dụng trên diện rộng công nghệ vào đào tạo. Tiếp đến, cần xem xét đến tính phổ biến tới các địa phương. Có nơi có thể đã đáp ứng được, nhưng chắc chắn nhiều nơi vẫn còn khó khăn, lạc hậu, do vậy, đây là câu chuyện dài hơi” – GS Thuyết lập luận.

Ủng hộ phương pháp dạy học trực tuyến, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT TP Hà Nội Kiều Văn Minh cho rằng, học trực tuyến chính là mô hình, phương pháp học hiện đại, chủ động. Tuy nhiên, cần áp dụng cả phương pháp truyền thống và công nghệ, sẽ cho kết quả đào tạo tối ưu.

Còn Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, TP Hà Nội Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, sẽ rất hiệu quả nếu phân loại đối tượng áp dụng. Cụ thể, với lứa tuổi từ lớp 6, các học sinh bắt đầu ý thức được kỷ luật học tập và bước đầu làm chủ công nghệ, bởi thế quá trình tiếp thu bài giảng sẽ đạt hiệu quả. Còn ở các lứa tuổi bậc tiểu học, mầm non, ở từng tiết giảng các giáo viên vẫn phải chỉnh đốn, kèm cặp từng nét chữ, cách ngồi. “Lứa tuổi từ tiểu học trở xuống, lượng kiến thức không nhiều, do đó, các giáo viên thường tập trung về các kỹ năng cũng như rèn giũa, tạo nền nếp trong học tập. Ở lứa tuổi này, các con còn quá nhỏ để tiếp cận, làm chủ công nghệ. Do đó, tôi thấy nếu áp dụng chỉ nên từ cấp THCS và THPT, đại học” – bà Hằng phân tích. Cũng theo bà Hằng, ngoài phân loại về lứa tuổi, việc triển khai mô hình trực tuyến còn tính đến yếu tố đại trà, địa phương. “Ở Hà Nội, việc áp dụng dạy, học trực tuyến còn khó khăn. Nếu các địa phương khác, sẽ còn khó hơn nữa. Ngoài ra, mục tiêu của giáo dục sẽ tính tới yếu tố đại trà trước, đặc thù sau. Do vậy, tôi thấy có thể áp dụng song bằng. Nơi nào bảo đảm đầy đủ điều kiện thì triển khai trước, các nơi khác làm sau” – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay.

Với tình hình dịch bệnh hiện tại, Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn tới các cơ sở giáo dục về việc hướng dẫn học sinh ôn tập nhằm duy trì động lực học tập cho các em. Các nhà trường có thể chủ động xây dựng phương án để hướng dẫn học sinh, với việc áp dụng công nghệ. Tuy vậy, sau khi lịch học chính thức trở lại, các cơ sở giáo dục này sẽ phải tổ chức dạy bù cho học sinh giai đoạn nghỉ. Việc dạy bù như thế nào, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành


Theo Kinh tế & Đô thị