Các chuyên gia nhận định, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, áp lực trả nợ sẽ giảm rõ rệt trong ngắn hạn nếu những quy định mới tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ được thông qua.
Hai năm giãn nợ là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu riêng lẻ hiện hữu của các doanh nghiệp bất động sản khoảng 419.000 tỷ đồng. Rà soát năng lực tài chính của nhóm 20 tổ chức phát hành là doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành lớn nhất của FiinRatings cuối năm 2022 cho thấy, các doanh nghiệp này đều đang chịu áp lực thanh khoản lớn trong ngắn hạn 12 tháng tới do dòng tiền yếu, áp lực nợ trái phiếu và nợ tín dụng lớn hơn dòng tiền tạo ra trong khi các kênh huy động vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Rủi ro này cũng lớn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhiều ngành liên quan có triển vọng kém tích cực trong năm 2023.
Sáng nay (17/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản kỳ vọng sẽ có những chính sách cụ thể hơn nữa để giải quyết những vấn đề pháp lý và nguồn vốn cho thị trường.
Reatimes sẽ cập nhật những thông tin quan trọng từ hội nghị này.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp và thị trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong đó, có quy định cho phép các doanh nghiệp có trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đề nghị đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư không chấp thuận gia hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định: Đối với các nhà đầu tư không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư, trường hợp không đạt được đồng thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư này theo phương án phát hành đã công bố.
Bình luận về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhận định, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 là rất cấp thiết và cần ban hành càng sớm càng tốt. Trong đó, hai năm hoãn nợ là thời gian quý giá để doanh nghiệp phát hành trái phiếu xoay xở và giải quyết khó khăn.
“Giải pháp gia hạn lúc này là cần thiết bởi nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không huy động được dòng tiền để trả cho nhà đầu tư thì cũng đành khất nợ. Ngay cả doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nếu gặp khó khăn, các ngân hàng cũng phải tiến hành giãn, hoãn thời gian trả nợ, tái cấu trúc khoản nợ cho doanh nghiệp.
Việc quy định cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu là để hai bên có cơ sở pháp lý để thỏa thuận với nhau. Giả sử không có quy định này thì doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư vẫn phải ngồi lại đàm phán với nhau chứ không thể làm khác được, nhưng có quy định thì dễ dàng hơn”, ông Nghĩa nêu.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhìn nhận, Dự thảo Nghị định không mở rộng hơn việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu so với quy định hiện hành, mà chỉ bổ sung quy định cho phép gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm.
“Thay vì doanh nghiệp phải phát hành một đợt mới để đảo nợ trái phiếu đã phát hành thì họ có thể đàm phán, kéo dài kỳ hạn những lô trái phiếu cũ đã phát hành. Nếu doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu mới vào lúc này thì lãi suất sẽ rất cao, trong khi, nếu họ được gia hạn các lô trái phiếu cũ đã phát hành thêm hai năm thì lãi suất vẫn như cũ. Thực chất đây là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảo nợ”, ông Nghĩa phân tích.
Trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng, doanh nghiệp khó khăn chồng khó khăn, rất cần nhà đầu tư chấp nhận chia sẻ, đàm phán. Song, quyền lợi của các trái chủ cũng cần được đảm bảo nhằm khôi phục lại niềm tin đối với thị trường trái phiếu.
Điều quan trọng là đảm bảo quyền lợi của trái chủ
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua một số doanh nghiệp, đặc biệt thuộc nhóm bất động sản gặp khó khăn thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023. Trong bối cảnh đó, để doanh nghiệp phát hành có cơ sở thanh toán trái phiếu bằng các tài sản khác của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bên thứ ba, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.
Để đảm bảo lợi ích trên hết của trái chủ, Bộ Tài chính cũng đưa ra nguyên tắc: tuân thủ quy định của pháp luật dân sự pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc lãi trái phiếu
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp sang bất động sản là giải pháp khả thi, tốt nhất hiện nay, nhất là đối với doanh nghiệp có năng lực, có thương hiệu và dự án hoàn chỉnh pháp lý.
“Khi đó các bên sẽ làm thêm phụ lục hợp đồng. Giá trị trái phiếu được công nhận sẽ được hoán đổi bất động sản tương đương. Nhưng có thể doanh nghiệp phải chiết khấu thêm cho nhà đầu tư để họ thấy được sự công bằng như các khách hàng đang mua bất động sản hiện nay được giảm giá, chiết khấu nếu đóng trước 95%.
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cũng cần phải có sự đồng hành của các bên. Như ngân hàng nếu thấy dự án thực hiện được 60 - 70% thì nên cho vay để dự án không bị dở dang, hoàn thành đưa vào sử dụng, giao sản phẩm cho khách hàng. Nhà nước phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn về pháp lý và cơ chế để có sản phẩm hoán đổi cho nhà đầu tư”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Trao đổi với Reatimes về vấn đề này, luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way cho biết, việc quy đổi từ trái phiếu sang tài sản khác như bất động sản là điều hoàn toàn bình thường, không trái quy định pháp luật bởi mối quan hệ giữa trái chủ và đơn vị phát hành là mối quan hệ dân sự. Hai bên có quyền thoả thuận và thống nhất trong quy đổi.
Theo đó, Điều 286 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành và các quy định pháp luật liên quan cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Thực tế, từ năm 2022, có doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.
“Những quy định Bộ Tài chính nêu ra khá tương đồng với những quan điểm tôi đã bày tỏ trước đây và đảm bảo được phần nào quyền của trái chủ. Đặc biệt, các nguyên tắc này đảm bảo quyền tự quyết của trái chủ, theo đó, việc chuyển đổi phải được thực hiện trên tinh thần tự do, tự nguyện của trái chủ - trái chủ phải đồng ý mới được phép tiến hành. Đồng thời, việc tiến hành phải được tiến hành công khai, minh bạch để đảm bảo trái chủ nhận được tài sản hợp pháp, hạn chế rủi ro cho các trái chủ.
Theo quy định, trái chủ có quyền lựa chọn. Nếu việc chuyển đổi từ trái phiếu sang bất động sản phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và chiết khấu hợp lý thì rõ ràng đây là phương án tốt. Nhìn chung đây là phương án tránh mất thanh khoản cho thị trường trái phiếu, đồng thời tạo thêm lựa chọn cho trái chủ”, luật sư Hồi khẳng định.
Song, cũng có lo ngại nếu tài sản khác là bất động sản, việc trái chủ phải mua với định giá cao, khó thanh khoản hay pháp lý chưa hoàn thiện, lại phải mất thêm khoản tiền để bán bất động sản thì rất thiệt thòi.
Do đó, luật sư Lê Văn Hồi cho rằng, cần phải bổ sung thêm những quy định để đảm bảo quyền lợi của trái chủ:
Thứ nhất, chưa có quy định cụ thể về trình tự trong việc chuyển đổi trái phiếu sang tài sản khác, dù nguyên tắc đầu tiên ghi nhận việc chuyển đổi phải tuân thủ pháp luật chuyên ngành nhưng đây là quy định khá chung chung có thể gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và các trái chủ trong việc chuyển đổi tài sản.
Thứ hai, về nguyên tắc chúng ta đều hiểu khi hết thời hạn trái phiếu, trái chủ nhận về tiền - tài sản có tính thanh khoản cao nhất và không mất bất cứ chi phí gì, vậy trong trường hợp chuyển đổi thì bên nào có nghĩa vụ và chịu chi phí chuyển đổi trái phiếu sang tài sản khác? Tôi cho rằng, doanh nghiệp phải chịu, điều này cần rõ ràng trong quy định của Nghị định mới.
Bên cạnh đó, theo luật sư Hồi, trái chủ cần tránh chạy theo tâm lý đám đông và cảm tính, nhất là không nên đánh đồng việc đưa ra phương án đổi từ trái phiếu sang bất động sản, tài sản khác là tín hiệu tiêu cực.
“Để đảm bảo quyền lợi, nhà đầu tư có thể cân nhắc chuyển đổi trái phiếu sang tài sản có pháp lý, thanh khoản tốt và được định giá phù hợp. Theo đó, trái chủ cần đánh giá cho đúng từng dự án, từng chủ đầu tư, lựa chọn những dự án đã đủ pháp lý, đã hoàn thành hay sắp hoàn thành nhằm tránh rủi ro”, luật sư Hồi nhấn mạnh./.
Nguồn: https://reatimes.vn/ap-luc-dao-han-trai-phieu-se-duoc-giai-toa-20201224000017670.html