Phản ánh tới tòa soạn, một số bạn đọc cho rằng Trường mầm non Bắc Giang, phường Trần Nguyễn Hãn (đường Cô Giang, Phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang) đã có dấu hiệu thi công không đạt chuẩn. Diện tích phòng sinh hoạt chung (phòng học), có dấu hiệu không đáp ứng đủ tối thiểu so với tiêu chuẩn xây dựng trường mầm non.

Theo tìm hiểu của PV, thì dự án xây dựng trường mầm non Bắc Giang do UBND Phường Trần Nguyên Hãn làm Chủ đầu tư. Dự án được chia ra làm nhiều gói thầu khác nhau. Trong đó, phần xây lắp thuộc gói thầu số 07, do Công ty Cổ phần xây dựng số 1 Bắc Giang trúng thầu, với số tiền 29.427.077.000 đồng, thời gian thực hiện 330 ngày.

Dự án bị phản ánh diện tích phòng sinh hoạt chung, nhỏ hơn so với tiêu chuẩn.

Sau khi nhận được phản ánh, PV đã liên hệ với UBND phường Trần Nguyên Hãn để xác minh, làm rõ. Ông Nguyễn Khắc Đức – PCT phường đã đưa PV xuống trực tiếp công trường. Tại đây, PV làm việc với ông Luận - Công ty Cổ phần số 1 Bắc Giang, phụ trách xây dựng và ông Nguyễn Tuấn Ngọc – Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Bắc Giang - đơn vị giám sát.

Theo bản vẽ do ông Luận cung cấp, đã được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang thẩm định, thì toàn bộ 20 phòng sinh hoạt chung đều có diện tích là 42m2. Theo lý giải của ông Luận, tính cả phủ bì diện tích sẽ vào khoảng 44m2.

Bản vẽ được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang thẩm định, toàn bộ các phòng sinh hoạt chung đều có diện tích 42m2.

Trước ý kiến phản ánh diện tích 42m2 không đạt yêu cầu so với Tiêu chuẩn Quốc gia về xây dựng trường mầm non. Ông Tuấn và ông Ngọc cho rằng đó là vấn đề thuộc đơn vị tư vấn thiết kế. Hiện tại dưới công trường thi công theo đúng bản vẽ đã được thẩm định. Vậy phải chăng, đơn vị tư vấn thiết kể và đơn vị thẩm định là Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang đã bỏ sót TCVN 3907:2011.

Theo quy định Tiêu chuẩn Quốc gia xây dựng trường mầm non TCVN 3907:2011, đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với từng lứa tuổi và phòng chức năng cụ thể:

3. Quy định chung:

3.1 Chỉ tiêu quy hoạch trường mầm non được xác định theo quy định tối thiểu 50 chỗ học cho 1.000

dân (50 chỗ/1000 dân) để thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.

3.2 Số lượng trẻ được phân chia thành nhóm trẻ - lớp mẫu giáo theo độ tuổi:

a) Đối với nhóm trẻ có độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ quy định như sau:

-  Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ;

-  Nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ;

-  Nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ.

b) Đối với lớp mẫu giáo có độ tuổi từ ba tuổi đến sáu tuổi. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo quy định như sau:

-  Lớp mẫu giáo 3 đến 4 tuổi: 25 trẻ;

-  Lớp mẫu giáo 4 đến 5 tuổi: 30 trẻ;

-  Lớp mẫu giáo 5 đến 6 tuổi: 35 trẻ.

5. Nội dung công trình và yêu cầu giải pháp thiết kế kiến trúc:

5.2 Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

5.2.1 Các phòng trong khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo gồm các phòng sau:

-  Phòng sinh hoạt chung.

-  Phòng ngủ.

-  Phòng vệ sinh.

-  Hiên chơi.

5.2.2 Số lượng các phòng trong khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được xây dựng tương ứng số nhóm, lớp theo các độ tuổi của từng trường, đảm bảo yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

5.2.5 Khi thiết kế phòng sinh hoạt chung cần đáp ứng các yêu cầu sau:

-  Đảm bảo tiêu chuẩn diện tích: từ 1,50 m2/trẻ đến 1,80 m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24 m2/phòng đối với nhóm trẻ và 36 m2 đối với lớp mẫu giáo.

CHÚ THÍCH:

1) Diện tích phòng sinh hoạt chung của nhóm trẻ không được nhỏ hơn 36 m2; đối với lớp mẫu giáo không nhỏ hơn 54m2.

Đối chiếu theo Tiêu chuẩn Quốc gia xây dựng trường mầm non, thì phòng sinh hoạt chung đối với lớp mẫu giáo không nhỏ hơn 54m4. Theo diện tích thực tế xây dựng, diện tích phòng dành cho lớp mẫu giáo đang bị thiếu khoảng 10m2. Như vậy với 20 phòng, tổng diện tích đang bị thiếu khoảng 200m2. 

Với việc số trẻ đến trường ngày càng tăng, phòng học không đáp ứng đủ tiêu chuẩn xây dựng, sẽ có khả năng không đáp ứng được việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Nếu nhồi nhét quá số lượng học sinh, sẽ vi phạm quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến không gian học tập, vui chơi của trẻ. Một công trình được đầu tư khang trang, hiện đại, tiêu tốn nhiều tỉ đồng của ngân sách nhà nước, có nguy cơ "lạc hậu" ngay khi chưa đưa vào sử dụng. 

Phó Chủ tịch TP Bắc Giang làm khó phóng viên?

Trước đó PV đã liên hệ với UBND TP Bắc Giang, để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, ông Ngô Thành Giang – Phó chánh VP UBND TP Bắc Giang cho biết, đã báo cáo thông tin đến ông Nguyễn Tiến Dũng – PCT UBND TP Bắc Giang. Cũng theo ông Giang, PCT UBND TP Bắc Giang yêu cầu PV phải có thẻ Nhà báo mới làm việc. Mặc dù đã giải thích rõ ràng, PV đã làm việc theo đúng quy định của pháp luật, nhưng vẫn bị từ chối một cách khó hiểu. Phải chăng lãnh đạo UBND TP Bắc Giang, không nắm được quy định của pháp luật? 

Chia sẻ vấn đề này trên báo chí, Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, từ thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy vẫn có nhiều phóng viên, nhà báo đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số đơn vị, tổ chức.

Có nhiều trường hợp, khi phóng viên được cơ quan báo chí cử đi đến một số đơn vị, tổ chức làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi ngoài giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có thẻ nhà báo. Tuy nhiên, đó là một số ít những người thiếu am hiểu pháp luật nên không nắm được việc này, vẫn phân biệt nhà báo với phóng viên dẫn đến có thái độ coi thường và không hợp tác để phóng viên tác nghiệp đúng luật.

''Phóng viên là người được ký hợp đồng với tòa soạn với chức danh “phóng viên” nhưng chưa đủ điều kiện để cấp thẻ nhà báo. Họ là người đến cơ sở, sử dụng nghiệp vụ báo chí của mình khai thác, xử lý thông tin viết bài đăng báo, thông thường phóng viên chưa có thẻ nhà báo khi đến cơ quan, tổ chức tác nghiệp thì chỉ cần dùng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đi và giấy chứng minh nhân thân là đủ'', Luật sư Ngân nhấn mạnh.

Theo Luật sư Ngân, Luật Báo chí sủa đổi năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã quy định bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo, phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Cụ thể, tại Khoản 12, điều 9 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Bên cạnh đó, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ nhà báo. Trong Nghị định 159, danh xưng ''phóng viên'' được đặt bên cạnh danh xưng ''nhà báo'' và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu​​​.

Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt từ 05-10 triệu đồng; mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

"Như vậy, nhà báo và phóng viên đều có trách nhiệm và quyền bình đẳng ngang nhau, đều được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Nếu họ bị cản trở, hành hung khi đang hoạt động nghề nghiệp thì cũng được bảo vệ như nhau và không phân biệt họ là nhà báo hay phóng viên, có thẻ nhà báo hay chưa có thẻ'', Luật sư Ngân nhận định.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 14/03/2014 có hiệu lực từ 01/06/2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thì ngoài đối tượng là nhà báo, văn bản luật này cũng đề cập đến phóng viên. Như vậy, bên cạnh nhà báo thì phóng viên cũng có vị trí và vai trò tương ứng trong quá trình tác nghiệp.


Theo Hà Điệp/Đô Thị Mới