Dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tiến triển với nhiều dấu hiệu khả quan. Bước qua những ngày cam go, gian khó, một tinh thần, khí thế "chiến đấu" mới đang được hình thành từ niềm tin tưởng, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Công tác tuyên truyền đã phát huy hiệu quả 

 

Những ngày qua, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc một cách đồng bộ, kịp thời, thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị của Trung ương và thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19.

Với quận Thanh Xuân, điểm nhấn trong công tác phòng chống dịch chính là công tác tuyên truyền. UBND quận đã giao các phường, phòng, ban, đơn vị tập trung thực hiện hàng loạt các biện pháp tuyên truyền với hình thức, nội dung phong phú như: Mở chuyên trang về phòng chống dịch Covid-19 trên cổng thông tin điện tử; triển khai tuyên truyền trên bảng điện tử, màn hình LED tại các vị trí trung tâm, thang máy chung cư, nhà cao tầng; phát tờ rơi đến 100% hộ gia đình; in 14.000 tờ rơi, áp phích bằng 4 thứ tiếng (Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), cấp phát và dán tại các nhà nghỉ, khách sạn, khu chung cư và những địa điểm người nước ngoài hay đến; phát thanh bằng 4 thứ tiếng tại các chung cư có nhiều người nước ngoài ở...

Thành công nhất là quận đã tuyên truyền cho các hộ có đám cưới tổ chức một cách gọn nhẹ, mỗi đám cưới chỉ tầm 10 người tham dự.

Cùng với đó, quận đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho nhân dân như tặng gạo, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, dự kiến quận hỗ trợ gần 4.500 đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 với số tiền 6,7 tỷ đồng.

UBND quận Thanh Xuân cũng triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia ủng hộ, phòng chống Covid-19”. Tính đến ngày 20/4, các đơn vị chức năng thuộc quận đã nhận được hơn 2,3 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều hiện vật. Toàn bộ số tiền và tặng phẩm dùng để hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

Cả hệ thống chính trị quận Thanh Xuân đã vào cuộc và sẽ quyết liệt, quyết tâm cho đến ngày cuối cùng của "cuộc chiến" này

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến: Chỉ thị 16 và 05 mang lại những tác động tích cực

Một chốt kiểm soát cơ động trên địa bàn quận Ba Đình
 

Trong suốt thời gian qua, quận Ba Đình đã huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các thông tin về dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ. 

Đặc biệt, Chỉ thị 16 và 05 đã mang lại những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận. Số lượng ca nghi ngờ lây nhiễm F1, F2, F3 giảm. Việc rà soát, điều tra dịch tễ đối với các trường hợp nghi ngờ thuận lợi và không còn phức tạp như trước…

Qua công tác kiểm tra, nhân dân trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 16. Cụ thể, các hàng quán kinh doanh đều đã đóng cửa tạm nghỉ tránh dịch; không tụ tập đông người.

Diễn biến dịch bệnh vẫn còn tiểm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, quận Ba Đình sẽ không lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố; đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch.

Chị Hồ Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH SX và TMDV Viên Minh: Tiếp tục đồng hành cùng thành phố

Chị Hồ Thị Phương Anh
 

Công tác phòng chống dịch được tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục, đa kênh. Chúng tôi đã được chứng kiến một không khí "chống dịch như chống giặc" với sự quyết liệt của thành phố Hà Nội, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền cùng sự chung tay ủng hộ từ các tổ chức cá nhân cho công tác phòng chống dịch. Đặc biệt tôi ấn tượng với sự quyết liệt của thành phố trong việc điều tra, truy vết thông tin những người liên quan tới các trường hợp F0 rất nhanh nhạy, chặt chẽ.

Tôi cũng đánh giá cao việc thành phố đã có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp như: Tổ chức đối thoại để lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp; kịp thời hỗ trợ về thuế, trợ cấp cho lao động đặc biệt tại doanh nghiệp

Thời gian qua, chung tay cùng thành phố phòng, chống dịch, Công ty Viên Minh đã gửi khoảng 5.000 sản phẩm là tinh dầu sát khuẩn tay, tinh dầu súc miệng và xông mũi họng bảo vệ hệ hô hấp cho khu dân cư nơi có đại lý: Lôi Sơn, Bệnh viện Thuỵ Điển (Quảng Ninh), Bệnh viện Việt - Đức, Hỗ trợ Y sĩ điều dưỡng Đống Đa trực tại Bạch Mai.... Mới đây nhất, Công ty đã dành toàn bộ số doanh thu ngày 27/3 để ủng hộ Bộ Y tế với số tiền là 22 triệu đồng.

Giai đoạn tới, thành phố Hà Nội sẽ bước vào cuộc chiến khôi phục nền kinh tế, doanh nghiệp chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến này.

Bác sĩ Đặng Thị Thanh Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Long Biên (quận Long Biên): Nhẹ nhõm nhưng không chủ quan, lơ là

Bác sĩ Đặng Thị Thanh Hồng
 

Trong 3 tháng qua, chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của chính quyền và các cơ quan chuyên môn.

Ngay từ đầu, Trạm Y tế phường Long Biên đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung làm Trưởng ban; phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên.

Xác định là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch nên sau mỗi buổi giao ban trực tuyến, không chờ phải có văn bản chỉ đạo, lãnh đạo phường đã quán triệt ngay các kết luận tới các lực lượng, khẩn trương phối hợp thực hiện các chỉ đạo của thành phố. Điển hình như việc cách ly các trường hợp nghi nhiễm, rà soát các trường hợp ho sốt trên địa bàn, các trường hợp bán hoa liên quan tới Tây Tựu, Tây Hồ… hay các công điện khẩn của Chủ tịch thành phố.

Ban đầu người dân còn sợ hãi, hoang mang, có thái độ phân biệt với các trường hợp phải cách ly do chưa hiểu rõ về dịch bệnh cũng như lý do vì sao cách ly.

Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền để người dân yên tâm; đáp ứng các yêu cầu người dân về nhu yếu phẩm; thường xuyên gọi Zalo, Facetime để kiểm soát các trường hợp phải các ly; hướng dẫn cách ly trong các gia đình phải cách ly…

Cho tới nay, phường có 12 trường hợp F1, 58 trường hợp F2, 119 trường hợp F3 đã kết thúc cách ly. Toàn phường có 24 người nước ngoài nhập cảnh đang ở trên địa bàn, trong đó 9 trường hơp xét nghiệm cho kết quả âm tính; 80 trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai và 100% kết quả xét nghiệm âm tính.

Thời điểm này chúng tôi có nhiều sự tự tin vì người người, nhà nhà đều chống dịch; quyết liệt trong việc giãn cách cách xã hội. Hà Nội cũng đã 5 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, dù cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng nhưng chúng tôi sẽ không lơ là, không chủ quan, thường xuyên nêu cao tinh thần kiểm soát dịch bệnh.

Bà Phan Thị Ngọc Diệp (ở tổ dân phố số 5, phường La Khê, quận Hà Đông): Sẵn sàng tiếp tục giãn cách xã hội 

Bà Phan Thị Ngọc Diệp
 

Để phòng chống dịch Covid-19, các thành viên trong gia đình tôi đã thực hiện nghiêm, không đi ra ngoài đường khi không có việc cần thiết, mọi hoạt động vui chơi giải trí ở phường đều dừng lại, không tổ chức. Tôi và những người dân trong tổ dân phố đồng thuận rất cao, ủng hộ và tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nếu bắt buộc.

Đặc biệt, tôi rất tâm đắc những việc Hà Nội đã làm được trong thời gian qua, cũng đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 31, đó là rà soát, hỗ trợ những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các trường hợp trên, chỉ đạo triển khai đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tôi tin tưởng, khi mỗi người dân đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định của thành phố, chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

   .

Theo Tuổi trẻ Thủ đô