Giá thịt heo tăng mạnh khiến cho người tiêu dùng cảm thấy hoang mang và lo lắng.

Sức nóng của thị trường thịt lợn bắt đầu từ khoảng giữa tháng 11, khi giá lợn hơi bắt đầu tăng ở các tỉnh chịu ảnh hưởng từ dịch, sau đó lan dần ra cả nước. Theo khảo sát trong ngày 23/12 của Ủy ban Nhân dân TP. HCM, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Nam như sau: Tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre đạt mức 91.000 – 92.000 đồng/kg; trong khi giá lợn hơi tại Đồng Nai đã đạt 92.000 - 93.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi tại tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục tăng cao, đạt giá 80.000 – 92.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh miền Bắc dao động trong phổ giá khoảng từ 90.000 - 94.000 đồng/kg.

Thị trường bán lẻ tăng nhanh không chỉ khiến người tiêu dùng phải mua thịt thành phẩm giá cao mà còn khiến các tiểu thương kinh doanh thịt lợn gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm, người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm khác.

Tại một số siêu thị ở TP. HCM, giá thịt lợn hiện ở mức cao. Nạc dăm lợn giá 185.000 đồng/kg, thịt đùi lợn giá 150.000 đồng/kg, sườn già lợn 160.000 đồng/kg. Giá sườn non loại 1 là 280.000 đồng/kg, ba chỉ là 250.000 đồng/kg và xương ống là 125.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn hơi vẫn tiếp tục tăng và dự báo sẽ kéo dài cho tới Tết và sau Tết. Điều này đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng và cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dường như bất lực trong điều hành khi để giá lợn tăng liên tục trong thời gian qua.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

PV: Thưa ông, những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng giá thịt lợn bị “vỡ trận” trong hơn một tháng trở lại đây?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú : Nhiều tờ báo, một số chuyên gia và công luận đã nói về việc “vỡ trận” thịt lợntrong những tháng cuối năm 2019, việc tăng giá thịt lợn liên tục với biên độ lớn xảy ra trong thời điểm mà Tết Canh Tý 2020 chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Khó khăn chính về bình ổn giá chính là nguồn cung thịt lợn trong nước bị thiếu hụt do dịch bệnh thì ai cũng đã rõ. Mặt khác, một số nơi hết dịch cũng rụt rè để tái đàn, thịt nhập khẩu cũng chỉ có hạn và thói quen tiêu dùng của người dân cũng chưa mặn mà lắm.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vai trò của cơ quan chức năng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì còn nhiều vấn đề phải phân tích thấu đáo để rút ra những bài học cần thiết cho những thời kỳ phục vụ tiếp theo, trước hết cho Tết 2020 và những năm sau. Trước tình hình giá cả thịt lợn có những diễn biến bất lợi về giá và thị trường tiêu dùng, Chính phủ đã có công văn phê bình Bộ NN&PTNT về việc đã để xảy ra tình hình như trên.

Sau khi có công văn của Chính phủ thì Bộ NN&PTNT trong 3 ngày đã có 5 văn bản gửi các bộ ngành địa phương – doanh nghiệp đề nghị phối hợp để bình ổn giá thịt lợn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, dù đã có nhiều văn bản nhưng thịt lợn vẫn leo thang từng ngày. Một số địa phương trong nước, từ ngày 18/12 – 22/12/2019, giá cả đã chạm ngưỡng 95.000 đồng – 100.000 đồng/kg hơi, giá thịt bán lẻ ở thị trường loại ngon nhất đã lên đến 230.000 – 250.000 đồng/kg. Như vậy giá cả lợn hơi đến nay đã tăng hơn 50% so với trước khi có dịch bùng phát ở Việt Nam.

PV: Vậy theo ông, việc “vỡ trận” giá lợn hơi, thịt lợn sẽ gây ra những hậu quả như thế nào cho người tiêu dùng và việc bình ổn giá?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Trong hội nghị tuần trước, Bộ NN& PTNT có nêu tình hình “giá thịt lợn hiện nay thì nước nào cũng tăng cả” - điều đó là chính xác nhưng chưa thật đầy đủ bởi nếu chúng ta để tình trạng kéo dài giá cả thịt heo vẫn tiếp tục tăng lên nữa cho đến Tết và sau Tết thì quả là không ổn. Giá lợn tăng nhanh, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng, khó khăn trong kinh doanh thịt lợn mà còn kéo theo việc tăng giá của hàng loạt các hàng hóa dịch vụ khác như thịt gà, thịt bò, cá tươi, trứng, bún bánh phở… đã tăng giá từ 5 - 10% so với trước.

Nhập khẩu thịt lợn là một trong những biện pháp hữu hiệu để bình ổn giá cho thời gian tới

Việc tăng giá dây chuyền không có lợi cho công tác bình ổn giá của Nhà nước và những biến động không có lợi của chỉ số CPI năm 2019 và cả năm 2020 nếu không được khắc phục một cách cơ bản. Chúng ta đều biết dịch lợn đã xuất hiện sớm từ tháng 2/2019 đến nay, số lượng lợn tiêu hủy hàng triệu con, số địa phương bị dịch lan sang hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Nhưng trong những tháng qua, không có những đề xuất một cách cụ thể để bù đắp lượng thịt lợn bị tiêu hủy của Bộ NN&PTNT. Vấn đề nhập khẩu lợn cũng vậy, đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay xem nhập khẩu bao nhiêu, đánh thuế thế nào, và doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập thịt lợn.

PV: Vậy theo ông, qua cuộc “vỡ trận” giá thịt lợn này, chúng ta rút ra được bài học gì?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: So sánh thì luôn luôn khập khiễng nhưng những bài học về bình ổn giá thịt lợn ở Trung quốc cho ta thấy họ đã chủ động hơn và tổ chức thực hiện mạnh mẽ hơn. Trung Quốc đã chủ động dự trữ hàng trăm nghìn tấn thịt lợn lạnh, mua dự trữ ở trong cộng đồng một số lượng heo sống nhất định. Thực tế khi có biến động về giá, họ đã chủ động xuất kho thịt lợn lạnh ra để bán, góp phần bình ổn thị trường tiêu dùng.

Qua những tình hình nêu ở trên cho ta thấy vấn đề bình ổn giá thịt lợn ở Việt Nam đã không đạt được những kết quả như mong muốn. Bình ổn giá là phải chủ động dự trữ, nắm lượng hàng hóa từ khi chưa có dịch xảy ra chứ không phải bình ổn giá chủ yếu bằng những công văn giấy tờ mà không tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả.

Qua thực tế công tác bình ổn giá thịt lợn trong những tháng cuối năm 2019 cho thấy, Bộ NN&PTNT cần phải rút ra những bài học sâu sắc trong công tác này nhằm giải quyết tốt những biến động về giá cả thịt lợn và giá cả những mặt hàng thiết yếu ở thị trường Việt Nam trong những thời gian tới.

Theo Hồng Phong/Đô thị mới