TP Hồ Chí Minh: 14.000ha đất hỗn hợp bị vướng quy hoạch

Theo báo cáo mới đây của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, toàn TP có hơn 14.000ha đất vướng quy hoạch, có thể kéo theo hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân đã không thể thực hiện được thủ tục tách thửa đất theo nhu cầu trong thời gian qua.

TP Hồ Chí Minh, 14.000ha đất hỗn hợp bị vướng quy hoạch (Ảnh minh họa)

Tính đến hết năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã giải quyết 5.711 hồ sơ xin tách thửa. Trong đó, có 5.264 hồ sơ tách thửa đất ở không hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật; Có 388 hồ sơ tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật; Có 59 hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp của quận 2, quận 9 và huyện Nhà Bè. Nhưng trên thực tế vẫn còn trên 14.000ha đất vẫn còn nằm trong các khu vực quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp.

Để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình được tách thửa đất tại địa bàn. Mới đây Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản số 109/CV-HoREA gửi UBND TP đề nghị khẩn trương sửa đổi Quyết định 60/2017/QĐ-UBND

Theo lý giải của Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu bất cập lớn nhất của Quyết định 60 là Khoản (1.a) Điều 5 quy định: “thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa đất”, là không có căn cứ pháp luật, vì các quy định về quy hoạch đất ở xây dựng mới, quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) đều không có trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, như: quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng,... theo Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Do vậy, cần bãi bỏ quy định: thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) tại Khoản (1.a) Điều 5 Quyết định 60” - ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.

Bên cạnh đó, còn có một vướng mắc lớn khác có liên quan đến thực hiện tách thửa, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất (bao gồm hộ gia đình, cá nhân), đó là cần phải kịp thời “xóa treo” các quy hoạch “treo” (quy hoạch không khả thi). Vì vậy, cần phải bỏ nội dung “thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa đất” tại Khoản (1.a) Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.

Đồng thời quy định lại những trường hợp không được tách thửa, gồm: Khu vực bảo tồn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục phải bảo tồn theo quy định pháp luật; Biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; biệt thự thuộc nhóm 1 và 2 theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng; Các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý theo quy hoạch, thuộc dự án đã quy hoạch; đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận cho từng nền đất theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt; Nhà, đất thuộc khu vực đã có Thông báo thu hồi đất hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hà Nội: biệt thự, liền kề, shophouse tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới

Báo cáo mới nhất của Savills đã khiến nhiều người bất ngờ khi cho biết giá sơ cấp trung bình của phân khúc biệt thự ở Hà Nội đang ở mức 110 triệu đồng/m2, shophouse khoảng 170 triệu đồng/m2 tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Nhà phố, shophouse luôn là phân khúc giữ được mức độ tăng ổn định nhất trên thị trường BĐS Hà Nội.

Theo báo cáo của Savills Hà Nội cho biết sau giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020 phân khúc biệt thự, liền kề có 8 dự án mới được triển khai và giai đoạn mới của 2 dự án, cung cấp cho thị trường 790 căn, tăng 17% theo quý. Cùng với đó, tình hình hoạt động của thị trường này trong quý II tiếp tục khả quan với 470 căn biệt thự, liền kề, shophouse được bán, tăng 67% theo quý. Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số căn bán được giảm 78%, tỷ lệ hấp thụ trong quý này vẫn ở mức thấp trong 3 năm trở lại đây với 25%.

Như vậy, so với cách đây 5 năm, giá trung bình biệt thự, liền kề, shophouse trên thị trường BĐS Hà Nội đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp gần 3 lần ở một số dự án.

Nhà phố, shophouse luôn là phân khúc giữ được mức độ tăng ổn định nhất trên thị trường BĐS Hà Nội.

Có thể nói biệt thự, liền kề, shophouse là phân khúc giữ được mức độ tăng giá ổn định theo năm và tiếp tục trở thành tài sản giữ giá trị ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư đang âm thầm đổ tiền vào phân khúc này trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền tỉnh lẻ tiếp tục “bất động”.

Nắm bắt được phân khúc “vàng” cũng như thời điểm “vàng” trên thị trường bất động sản hiện nay, nhiều Chủ đầu tư cũng như Đơn vị Phát triển & Kinh doanh dự án sau một thời gian nghe ngóng thị trường đã quyết tâm bung hàng.

Cùng quan điểm với đại diện Savills, các chuyên gia cũng cho rằng trong thời gian tới giá phân khúc này sẽ tiếp tục tăng bởi sự khan hiếm về quỹ đất trong nội đô và những ách tắc trong vấn đề phê duyệt, quy hoạch dự án nên rất hiếm nguồn cung mới được bổ sung ít nhất trong vòng 1 năm tới. Đây cũng là nguyên nhân khiến phân khúc nhà gắn liền với đất đang trở thành kênh đầu tư tỏa sáng của các nhà đầu tư từ nay đến cuối năm 2020.

Hoàng Mai, Hà Đông dẫn đầu nguồn cung nhà liền kề, biệt thự tại thị trường Hà Nội

Nguồn cung tăng mạnh so với cùng kỳ

Tại báo cáo thị trường bất động sản quý III, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, nguồn cung mới biệt thự, nhà liền kề quý III đạt 430 căn, giảm 46% theo quý nhưng tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm trước.

Quận Hà Đông và Hoàng Mai dẫn đầu nguồn cung mới  (Ảnh minh họa)

Quận Hà Đông và Hoàng Mai dẫn đầu nguồn cung mới. Trong đó, riêng quận Hà Đông chiếm tới 39% thị phần. Với lượng tồn kho cao, quận này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường cho tới hết năm. Ngoài ra, nguồn cung biệt thự và nhà liền kề cũng đến từ Long Biên, còn khu vực trung tâm, theo bà Hằng, quỹ đất hạn chế khiến nguồn cung từ khu vực này ở mức thấp.

Trong khi nguồn cung mới ghi nhận 430 căn, giao dịch trong quý III lại đạt 455 căn, giảm 3% so với quý trước và 13% so với cùng kỳ năm trước. Quận Hà Đông dẫn đầu lượng giao dịch với 44% thị phần.

Tỷ lệ hấp thụ đạt 25%, ổn định theo quý nhưng giảm 16% so với cùng kỳ năm 2019, mức thấp nhất trong vòng 3 năm.

Theo Savills, các sản phẩm có giá sơ cấp dưới 5.000 USD/m2 chiếm gần 70% lượng giao dịch trong quý III. Các căn có giá từ 5.000 USD/m2 tới 7.500 USD/m2 chiếm khoảng 25% lượng giao dịch và 5% giao dịch là các căn có giá trên 7.500 USD/m2.

Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.935 USD/m2, tăng 4% so với quý trước. Giá trung bình của nhà liền kề là 4.618 USD/m2, tăng 4% so với quý trước. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 6.675 USD/m2, giảm 9% so với quý trước.

Gia Lâm, Long Biên điểm sáng đầu tư BĐS

Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho rằng các nhà đầu tư vẫn thường kỳ vọng vào sự bứt phá của thị trường trong quý IV, tuy nhiên, với quý IV năm nay, phân khúc biệt thự, nhà liền kề dự báo không có bước nhảy đột phá.

Tuy nhiên, đến năm 2021, khi một loạt công trình hạ tầng được cải thiện, một số dự án sẽ ra hàng làm cải thiện rõ rệt về nguồn cung.

Khởi công Dự án mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

Sáng 19-10, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khởi công dự án xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc (giai đoạn 2) ở Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Khởi công dự án xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc (giai đoạn 2) ở Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc (giai đoạn 2) tại sân bay quốc tế Đà Nẵng do ACV làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư khoảng 420 tỉ đồng, thời gian thi công 11 tháng.

Quy mô xây dựng thêm 4 vị trí đỗ máy bay code C để nâng lên tổng số 35 chỗ đỗ máy bay của sân bay và di chuyển 5 vị trí đỗ máy bay ra xa đường cất hạ cánh 35R/17L. Xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay bằng bêtông cốt thép với diện tích 66.905m2, xây dựng lề vật liệu bêtông nhựa với diện tích 13.326m2, xây dựng khu vực dải bảo hiểm với diện tích 19.796 m2.

Theo ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch Hội đồng quản trị ACV, việc triển khai xây dựng dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc ở Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cảng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đầu tư của TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.; đồng thời thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, sớm thi công các dự án che phủ bề mặt để tránh xói mòn, tái nhiễm dioxin tại khu vực này.

Dự án còn tái sử dụng 44.000m3 đất sau xử lý dioxin và 11.000m3 vật liệu là bêtông xốp đã được nghiền nhỏ thành các kích thước hạt rời, các khối cần xử lý tại chỗ, không được mang đi nơi khác nhằm đảm bảo môi trường và tiết kiệm chi phí đầu tư dự án.

Cảng HKQT Đà Nẵng là một trong 3 Cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước và là cửa ngõ giao thông hàng không quốc tế quan trọng khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo quyết định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E, lượng hành khách thông qua cảng hàng không đạt 28 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 200.000 tấn/năm.


Theo Nguyễn Mây (tổng hợp)/Đô Thị Mới