Đề nghị công khai dự án quá 3 năm không có quyết định thu hồi đất

Theo Laodong phản ánh, HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại khoản 3, Điều 49, Luật Đất đai 2013 có quy định: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất".

Đề nghị công khai dự án quá 3 năm không có quyết định thu hồi đất (Ảnh:laodong)

Nhưng trên thực tế giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa cho thấy, các cơ quan nhà nước tại tỉnh Khánh Hòa chưa thực hiện nghiêm túc quy định này. Tình trạng "dự án treo" không được xử lý, kế hoạch sử dụng đất hàng năm không được thực hiện đối với các dự án thuộc danh mục khoản 3, Điều 62 và các dự án không thuộc danh mục khoản 3, Điều 62 nhưng không được "điều chỉnh hủy bỏ hoặc công bố" công khai theo quy định, đã làm số "dự án treo" tăng lên, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người sử dụng đất trong vùng dự án, như không được sửa chữa nhà, xây dựng nhà và công trình mới, không được trồng cây lâu năm.

Liên quan đến vấn đề này, HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa công bố công khai những dự án đã quá 3 năm mà không có quyết định thu hồi đất, không tiếp tục thực hiện để người dân biết và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chấm dứt tình trạng "xí chỗ" để thực hiện dự án sau này, không khả thi, không đúng quy định của pháp luật.

Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiêm túc thực hiện việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua để việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đi vào nề nếp.

Người dân Hà Nội đổ xô đi “xóa nợ” tiền sử dụng đất

Theo Vietnam+, trước thông tin từ ngày 1/3, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ (trong khi giá đất của năm 2021 trở đi cơ bản cao hơn giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận), những ngày gần đây, lượng người dân đến các Văn phòng Đăng ký đất đai ở Hà Nội đã tăng đột biến.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến cuối chiều 26/2, mặc dù đã hết giờ làm việc cuối ngày, nhưng Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, vẫn có rất đông người dân xếp hàng chờ được gọi tên.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là bởi ngày 26/2 cũng là ngày làm việc hành chính cuối cùng của tháng Hai (tháng này có 28 ngày, trong khi ngày 27 - 28/2 rơi vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật), nên nhiều người dân đã đổ xô đi “xóa nợ.” Tuy nhiên, do số lượng người quá đông nên nhiều trường hợp đã không kịp giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với nỗi lo của người dân, Cục Thuế Hà Nội đã có công văn gửi các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã và khu vực về việc bố trí cán bộ công chức đi làm cả 2 ngày thứ Bảy và Chủ Nhật để đảm bảo việc giải quyết thủ tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Trong sáng nay, 27/2, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hà Nội (ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng "mở cửa" sớm hơn để giải quyết thủ tục cho người dân, giúp người dân thoát khỏi tình trạng “nợ mới cao hơn nợ cũ.” 

Chị Nguyễn Thị Giang (phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) cho biết hôm qua (26/2), chị đã đến nộp hồ sơ làm thủ tục, nhưng vì quá đông, nên được hẹn sáng nay quay lại.

“Từ sáng đã đông nghịt người đến nộp hồ sơ. Mặc dù lo lắng về dịch bệnh COVID-19, nhưng tôi vẫn buộc lòng phải đến làm thủ tục, bởi theo quy định mới, nếu không nộp tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2021 sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất tăng cao. Tính ra, như diện tích nhà tôi thì sẽ phải đóng tới mấy chục triệu,” chị Giang chia sẻ.

Có chung nỗi lo, chị Nguyễn Thanh Hương ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho biết để kịp "xóa nợ" tiền sử dụng đất, ngày 17/2 vừa qua chị đã đăng ký online trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã gửi lại tin nhắn mời chị có mặt lúc 8 giờ 45 phút ngày 20/2 tại văn phòng để nộp hồ sơ. Tuy nhiên, do ngày 20/2 rơi vào ngày Chủ Nhật nên chị đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai xem xét đổi lại lịch theo lịch trong ngày hành chính.

Trên cơ sở đó, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã thay đổi lịch và thông báo chị Hương có mặt tại văn phòng lúc 9 giờ 15 ngày 27/2/2021 để nộp hồ sơ.

Đúng thông báo, sáng nay chị Hương đã đến "điểm hẹn" nộp hồ sơ, tuy nhiên đến lúc 9 giờ 30 chị Hương vẫn phải chờ gọi tên vào gặp cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để được giải quyết. "Mong là trong sáng nay, tôi sẽ được gọi tên để nộp xong tiền sử dụng đất còn nợ," chị Hương chia sẻ.

Trước đó, ngày 26/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất.

Người dân Hà Nội đổ xô đi “xóa nợ” tiền sử dụng đất (Ảnh: Vietnam+)

Theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật.

Cách tính được kéo dài đến hết ngày 28/2/2021. Như vậy, từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Trường hợp có ghi nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán nộp ngân sách Nhà nước thì đề nghị các hộ gia đình, cá nhân liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các quận, huyện, thị xã để được hướng dẫn thủ tục trả nợ theo chính sách quy định tại Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 28/2/2021.

Theo hướng dẫn của Cục Thuế thành phố Hà Nội, đơn vị này sẽ áp dụng với các trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất theo Nghị định 45/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định 45 quy định những người được ghi nợ tiền sử dụng đất gồm: hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư hoặc có đơn xin ghi nợ...

Những trường hợp nợ tiền sử dụng đất từ trước ngày 1/3/2016 đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất nộp thì sau ngày 1/3/2021, sẽ phải nộp tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 của Hà Nội với hệ số K mới điều chỉnh gần đây. 

Cụ thể, tiền sử dụng đất được tính theo phương pháp chi tiết như sau: Tiền sử dụng đất phải nộp = (bằng) giá đất tính tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất x (nhân) diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất - (trừ) tiền sử dụng đất được giảm theo quy định tại Nghị định 45 (nếu có) - tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất (nếu có).

Trong đó, giá đất tính tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất được tính theo hệ số K. Trong khi mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn năm 2021 với hệ số K cao nhất ở mức 2,15. Do đó, tiền sử dụng đất của những trường hợp được ghi nợ phải nộp sẽ tăng theo./.

9 kiến nghị tháo gỡ cấp sổ hồng cho nhà ở tại TP HCM

Một là, kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương thực hiện xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở, để sớm giải quyết cấp "sổ hồng" cho hơn 30.402 căn nhà trong 63 dự án của 17 doanh nghiệp mà Hiệp hội BĐS TP HCM đã báo cáo và hơn 100 dự án nhà ở đang còn tồn ở Sở Tài nguyên Môi trường.

Hai là, đề nghị UBND thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết "ưu tiên" giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì là bên ngay tình, vô can, để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà và triệt tiêu các "điểm nóng" tiềm ẩn. Đối với các sai phạm về đầu tư, xây dựng, kinh doanh của chủ đầu tư (nếu có) cần tách riêng để xử lý.

Ba là, về nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, thì đề nghị tách ra xử lý riêng, với một số biện pháp bảo đảm: Các căn hộ và diện tích kinh doanh mà chủ đầu tư giữ lại, chưa cấp sổ hồng và sẽ cấp sau, khi đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoặc, chủ đầu tư ký quỹ một khoản tiền;  Hoặc, chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước.

Bốn là, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo xây dựng hoàn thiện "Quy trình công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất" của Sở Tài nguyên-Môi trường và Sở Tài chính, nhất là công tác "điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu của các dự án có đặc điểm tương tự với dự án dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực định giá hoặc khu vực lân cận gần nhất có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương; có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu".

9 kiến nghị tháo gỡ cấp sổ hồng cho nhà ở tại TP HCM

Năm là, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Tài chính xem xét, sớm giải quyết các dự án đã "tạm nộp" tiền sử dụng đất.  Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý thuế phù hợp với từng thời kỳ.

Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất không có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế không phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp tiền sử dụng đất. Khoản chậm nộp tiền sử dụng đất được tính từ thời điểm bàn giao đất thực tế tới thời điểm chính thức được thông báo nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo tỷ lệ % thu tiền chậm nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật từng thời kỳ.

Sáu là, UBND thành phố xem xét chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường cấp "sổ hồng" cho toàn bộ diện tích tầng hầm, bao gồm cả phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư, đối với các trường hợp dự án nhà chung cư đã được "Quyết định về duyệt Phương án xác định giá đất cụ thể" và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.

Bảy là, UBND thành phố xem xét, chỉ đạo không thu thêm tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi… đối với các dự án nhà chung cư đã được "Quyết định về duyệt Phương án xác định giá đất cụ thể" và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Bởi lẽ, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đã xem xét thẩm định, nên không dẫn đến có phát sinh thêm các khoản thu ngân sách nhà nước.

Tám là, để giảm tải cho Ban Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường các thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là Hà Nội và TP HCM (có thời điểm, Ban Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM phải ký hàng trăm "sổ hồng" mỗi ngày), Hiệp hội BĐS Tp.HCM đề nghị phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp "sổ hồng" (cấp mới, cấp đổi) cho tổ chức, cá nhân, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai.

Chín là, UBND thành phố xem xét chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương xem xét, kết luận các trường hợp dự án có điều chỉnh quy hoạch xây dựng, có (hay không có) phát sinh nghĩa vụ tài chính (bổ sung) và phải sớm giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng dự án và phải kịp thời trả lời cho các chủ đầu tư, không để tình trạng tiếp tục "treo" các dự án, gây bức xúc cho các chủ đầu tư và người mua nhà.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai

Theo vietnamnet, liên quan đến kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp về việc sửa đổi Luật Đất đai do còn nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đây là những vấn đề người dân rất quan tâm trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 vừa qua.

Do đó, bằng các Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tháo gỡ các khó khăn để “giải phóng” nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều này “mới chỉ làm được một phần” và thực tế vẫn còn những vấn đề đáng lưu ý như khiếu kiện, thất thoát đất đai, lợi dụng các chính sách chưa chặt chẽ để tham ô, tham nhũng; vẫn còn những xung đột trong quá trình phát triển và nhiều thủ tục là rào cản trong khi người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai.

“Đất đai là một loại tài nguyên đặc biệt. Chúng ta cũng đã xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng đất đai là sở hữu công cộng, nên phải giải quyết triệt để vấn đề sở hữu công cộng về đất đai cũng như các quyền của người dân đối với đất đai; đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, an ninh quốc phòng... Do đó, chúng ta cần giá trị gia tăng của các dự án đầu tư về sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên đất đai hơn là thu từ đất đai, bởi nguồn lực đất đai là hữu hạn,” ông Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai (Ảnh minh họa)

Tương tự, vấn đề về quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất đai… cũng cần phải xác định vai trò của Nhà nước thông qua việc xây dựng quy hoạch có chất lượng và tính toán được các yêu cầu về quản lý. Trong đó, đất đai cần phải được phục vụ cho phát triển và phải có doanh nghiệp thì mới phát triển.

Với quan điểm trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải giải quyết bài toán chia sẻ lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất với các dự án đầu tư, cụ thể là các doanh nghiệp, để đảm bảo hài hòa giữa các bên.

Dẫn ra ví dụ như trường hợp người dân bị thu hồi đất để làm bất động sản và trường hợp Nhà nước thu hồi đất để công trình công cộng, ông Hà đưa ra quan điểm cần giải quyết được hài hòa, chứ không thể thu hồi đất để làm bất động sản thì người dân được hưởng nhiều hơn, thu hồi đất làm công trình giao thông, công cộng thì người dân lại không được hưởng gì.

Do đó, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định sẽ dẫn dắt, xử lý các vấn đề về đất đai bằng ý chí, sự thấu hiểu và lắng nghe người dân. Trên cơ sở đó trình Trung ương ban hành Nghị quyết hợp lòng dân - “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra,” từ đó thể chế hóa bằng Luật Đất đai mới.

“Tôi mong muốn sớm nhất trong năm 2022, còn nếu không thì cũng sẽ xây dựng xong Luật Đất đai trong nhiệm kỳ này,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ./.

Ồ ạt rao bán khách sạn hàng trăm tỷ đồng ở Nha Trang vì Covid-19

Theo dantri, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đến cuối năm 2020, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Khánh Hòa là hơn 1.100 cơ sở với gần 50.000 phòng, trong đó khách sạn từ 3 đến 5 sao là 125 cơ sở với gần 24.000 phòng, đạt tỷ lệ gần 45%.

Cụ thể, trên các diễn đàn bất động sản, kể từ đầu tháng 1/2021 đến nay, tình trạng rao bán khách sạn ở Nha Trang khá nhộn nhịp, với mức giá từ 10 tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó nhóm khách sạn được rao bán nhiều nhất dao động từ 15-30 tỷ đồng. Các khách sạn rao bán nằm ở trung tâm Nha Trang như Hùng Vương, Trần Phú hoặc xa hơn về phía bắc như Phạm Văn Đồng, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Biểu…

Điển hình như tại diễn đàn "alonhadat", một người đàn ông đăng tin rao bán "cắt lỗ" khách sạn với 70 phòng, diện tích 160m2 nằm trên đường Biệt Thự Nha Trang với giá hơn 90 tỷ đồng.   

"Khách sạn nằm ngay khu vực phố Tây Nha Trang, gần biển, vừa mới xây dựng được vài năm. Đây là khu vực sầm uất nhất phố du lịch" - thông tin rao bán khách sạn này cho hay, đồng thời kèm theo một số hình ảnh khách sạn với thiết kế nội thất sang trọng, bắt mắt.

Ồ ạt rao bán khách sạn hàng trăm tỷ đồng ở Nha Trang vì Covid-19
 

Ngoài ra, một khách sạn khác diện tích 300m2, 15 tầng với 90 phòng kinh doanh được rao sang nhượng với giá 140 tỷ đồng nằm ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang. Thậm chí có người đăng tin "mùa Covid-19 bán gấp 10 khách sạn siêu đẹp" tại Nha Trang. Các khách sạn rao bán có diện tích từ 80 đến 1.000m2, với giá từ 10 tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Phan Việt Hoàng - Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa - cho biết, qua thông tin online và thị sát thực tế thì một số các khách sạn rao bán ở Nha Trang có quy mô từ 2 đến 3 sao, công suất dưới 50 phòng. Đây là phân khúc khách sạn đang bị cạnh tranh bởi số lượng lớn căn hộ từ các dự án Condotel về giá cả, tiện ích, tính hiện đại. Còn việc rao bán phân khúc khách sạn hạng sang 4-5 sao thì hiếm hơn.

Ông Hoàng cho rằng, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, việc khách sạn rao bán sẽ đối mặt với nhiều bất lợi.

"Chủ khách sạn cần hiểu rõ hiện nay thị trường du lịch đang ảm đạm, khó khăn. Để tồn tại được trong giai đoạn này thì phụ thuộc vào các gói hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này đến khi thị trường du lịch phục hồi" - ông Hoàng chia sẻ.

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/de-nghi-cong-khai-du-an-qua-3-namkhong-co-qd-thu-hoi-dat-20201231000001091.html