Dự kiến giá chung cư sẽ tăng 4 - 6%  trong năm 2021

Cụ thể, theo CBRE ghi nhận giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp tiếp tục tăng 3%, đạt 1.412 USD một m2, chưa bao gồm VAT và phí bảo trì. Bên cạnh đó, khu vực Gia Lâm, Long Biên đã thiết lập mặt bằng giá mới cho khu vực phía Đông. Ngoài ra, các dự án mới mở bán tại các khu đô thị khắp Hà Nội cũng đưa ra mức giá cao hơn các dự án mở bán trước đây nhờ vào việc hoàn thiện các tiện ích và kết nối tốt hơn. Các yếu tố này đã đóng góp vào sự tăng trưởng giá của thị trường Hà Nội thời gian qua.

Dự kiến giá chung cư sẽ tăng 4 - 6%  trong năm 2021
 

Trước đó, JLL lần đầu tiên ghi nhận giá bán sơ cấp một dự án mở bán mới tại Gia Lâm đạt trên 1.900 USD một m2, giúp thị trường nhà ngoại ô thiết lập mức giá mới. JLL cũng cho biết, nhà ở tại nội thành và ngoại thành hiện có tốc độ tăng giá trung bình theo quý lần lượt là 0,7% và 1,3%.

Về nguồn cung chào bán mới và doanh số bán trong năm 2021, CBRE dự báo sẽ có nhiều cải thiện, khoảng 24.000 - 26.000 căn. Các khu dân cư mới sẽ được mở rộng, trong khi các khu vực đã phát triển sẽ tiếp tục được nâng cấp. Do đó, các dự án nhà ở bình dân sẽ ngày càng được dịch chuyển ra xa khỏi khu vực đường vành đai 3.

Trong năm 2020, thị trường Hà Nội có khoảng 18.000 căn hộ mở bán mới, giảm 52% theo năm.

Trong khi đó, khoảng 18.500 căn hộ bán được trong năm 2020, cao hơn lượng mở bán mới, theo CBRE. Người mua nhà trong nước trở thành nguồn cầu chính trong bối cảnh các chuyến bay quốc tế gián đoạn làm trì hoãn việc bán hàng cho người nước ngoài.

Lượng cung bất động sản tại Hà Nội năm 2020 chỉ đạt 41,8% so với năm 2018

Cụ thể, năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có 28.818 sản phẩm (căn hộ chung cư, nhà ở thấp tầng) được chào bán trên thị trường; 13.834 sản phẩm được giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 48%. Trong đó, căn hộ mới chào bán trên thị trường là 16.350 căn, với 4.350 sản phẩm được giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ đạt 26,6%. So với các năm trước, lượng cung mới chào bán trong năm 2020 chỉ đạt 41,8% so với năm 2018; 72,6% so với năm 2019. 

Lượng cung bất động sản tại Hà Nội năm 2020 chỉ đạt 41,8% so với năm 2018

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân của sự sụt giảm cả lượng cung và giao dịch là do tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh, làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ. Nền kinh tế và thu nhập suy giảm cũng làm giảm lực cầu mua nhà ở và đầu tư kinh doanh bất động sản lâu dài...

Bất động sản bước vào chu kỳ mới

Theo baodautu, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, nhiều văn bản pháp luật được ban hành 5 - 6 năm trước không theo kịp yêu cầu phát triển của thị trường. Điểm nghẽn thể chế là điều nhìn thấy rõ trong lĩnh vực bất động sản trong 10 năm qua. Dù cải cách thể chế được xác định là mũi đột phá.

Đến khi Covid-19 xuất hiện, khó khăn của thị trường bất động sản càng bộc lộ rõ. Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2015; Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực ngày 10/12/2015. “Nhưng từ ngày 10/12/2015, thị trường bất động sản tắc nghẽn về thủ tục các dự án đầu tư nhà ở mà không có 100% quỹ đất ở”, ông Châu nêu.

Đại diện HoREA lý giải, từ ngày 10/12/2015, tất cả các dự án đầu tư bất động sản đều bị đình đốn, nhưng chưa tác động lập tức đến thị trường. Thực chất, nguồn cung trên thị trường từ sau năm 2015 là những dự án cũ tiếp tục triển khai. “Tới năm 2018, nguồn cung từ các dự án cũ cạn kiệt, nguồn cung dự án mới gặp khó, dẫn tới hiện tượng giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp. Giảm số dự án, đương nhiên hệ quả là sản phẩm đưa ra thị trường sụt giảm. Thị trường rơi vào lệch pha cung - cầu”, đại diện HoREA nói.

Bất động sản bước vào chu kỳ mới
 

Tại TP HCM, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng gần 70%, phân khúc nhà ở vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm vỏn vẹn 2%. Điều này cho thấy thị trường phát triển chưa bền vững, không hướng vào nhu cầu thực.

Tuy nhiên, năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong các quy định pháp luật liên quan đến bất động sản. Trong kỳ họp vào tháng 6/2020, việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi, kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường… đã tháo gỡ nhiều nút thắt cho bất động sản.

Điểm đáng ghi nhận trong sửa đổi các quy định liên quan đến bất động sản được nêu trong Luật Đầu tư năm 2020. Trước kia, quyết định chủ trương đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, trong khi doanh nghiệp chưa có dự án thì không thể có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cho nên, doanh nghiệp phải lách bằng cách làm báo cáo đánh giá tác động môi trường “không thực”, nhưng thực sự tốn tiền để đối phó.

Luật Đầu tư 2020 đã “sửa” luôn Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, quy định thay vì yêu cầu báo cáo đánh giá tác động môi trường, thì nay yêu cầu lập đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đây thực sự là điểm khơi thông cho doanh nghiệp bất động sản, từ chỗ mất 3 tháng làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, nay chỉ mất 1 tuần hoặc 10 ngày, từ chỗ tốn cả tỷ đồng, giờ chỉ mất 50 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc các văn bản pháp luật đã được tinh giản và sửa đổi đáng kể trong thời gian qua là một xung lực mới giúp thị trường bất động sản năm 2021 phát triển bền vững. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, cho phép huy động vốn qua việc thành lập quỹ. Năm 2021, xung lực từ việc sửa đổi các văn bản này chắc chắn sẽ tác động tốt đến việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản.

Với quy định pháp lý thuận lợi hơn, năm 2021, thị trường bất động sản được kỳ vọng nhờ sự cộng hưởng của một loại yếu tố khác. Trong đó, xung lực từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường này. Đơn cử, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư có tới 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam, trong đó có cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số nhanh và hiệu quả cũng là xung lực cho thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản, ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để bán hàng và marketing, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh tốt để huy động vốn. Chưa kể, lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm, ở mức 8 - 10% tuỳ vào thời hạn vay. Điều này cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản đi lên trong năm 2021.

Lập quy hoạch chung TP Thủ Đức với 21.000ha

Theo Vietnamnet, Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2021 sáng 9/1, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trương Trung Kiên nêu rõ 14 nhiệm vụ trong lộ trình khởi động và vận hành thành phố mới.

Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, trong năm 2021, quận Thủ Đức sẽ hợp nhất với Quận 2 và Quận 9 để thành lập TP Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và triển khai mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội. Do đó, quận Thủ Đức đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp lộ trình khởi động và vận hành TP Thủ Đức.

Quận ủy, UBND quận Thủ Đức đã chỉ đạo thủ trưởng các phòng ban, đơn vị và Chủ tịch 12 phường tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trên nguyên tắc giải quyết dứt điểm những đầu việc trong giai đoạn trước ngày 31/12/2020.

Đặc biệt, ông Kiên nhấn mạnh việc tổ chức thông tin đầy đủ 2 nghị quyết trên đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các nội dung liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp và công dân như công tác điều chỉnh các loại giấy tờ do thay đổi tên đơn vị hành chính...

Lập quy hoạch chung TP Thủ Đức với 21.000ha

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thành phố Võ Văn Hoan cũng đề xuất hàng loạt giải pháp để phát triển thành phố mới Thủ Đức.

Cùng với đó, TP HCM đang nghiên cứu lập quy hoạch chung khu vực hơn 21.000ha tỷ lệ 1/25.000 - 1/10.000 tại TP Thủ Đức, với các mục tiêu phát triển giao thông xanh, khả năng chống chịu, quản lý ngập lụt.

Cùng với đó, thành phố đang lập quy hoạch phân khu 5 địa điểm Trường Thọ (147ha), Tam Đa và dọc Đông Tây mới (1.000ha); hành lang tuyến Metro số 1 (493ha); hành lang Vành đai 2 (600ha) và khung chính sách khai thác giá trị đất áp dụng cụ thể cho Vành đai 2...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố xác định năm 2021 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, cũng là năm thành phố bắt đầu triển khai các đề án, chủ trương lớn được Trung ương chấp thuận như: Đề án tổ chức chính quyền đô thị, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, trong đó có thành lập TP. Thủ Đức.

Dự báo tình hình kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng trong điều kiện có thể có sự chuyển dịch lớn về các dòng đầu tư trên thế giới, bên cạnh đó đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của thành phố, gây áp lực lớn trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới.

Trước bối cảnh đó, thành phố xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”./.

Đất nền tiếp tục là phân khúc dẫn đầu trong năm 2021

Theo reatimes, DKRA Vietnam thống kê trong năm 2020, khu vực TP HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận khoảng 84 dự án mở bán (khoảng 13.179 nền). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 8.519 nền, chiếm xấp xỉ 65% nguồn cung mới. Những dự án nằm liền kề các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, diện tích nền nhỏ, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư có dòng vốn tốt.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam, trong năm 2020 thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực trong tổng nguồn cung do quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu nguồn cung với khoảng 43% nguồn cung mới toàn thị trường (5.627 nền). Tại TP HCM, nguồn cung mới đến từ 7 dự án (564 nền), bằng 33% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 59% (khoảng 334 nền), bằng 21% so với năm 2019.

Dù thị trường đối diện với nhiều thách thức, nhưng DKRA Vietnam dự báo nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2021 có thể phục hồi và tăng so với năm 2020. Các sản phẩm tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù nguồn cung dần khan hiếm nhưng đây vẫn tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng, là kênh đầu tư hàng đầu trên thị trường.

Đất nền tiếp tục là phân khúc dẫn đầu trong năm 2021
 

Cũng theo nhận định từ phía DKRA Vietnam, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới trong năm 2021, thị trường dất động sản nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại.

Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm 2019 dù năm qua có nhiều biến động. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 - mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản chuyển mình.

Bên cạnh đó, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn. Đặc biệt, việc thành lập TP. Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2021 cũng là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá.

Về hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch TP Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp và người dân chủ động có chiến lược phát triển phù hợp.

Đối với vai trò của doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại… để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Đồng thời, chủ đầu tư phải chú trọng đầu tư cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Quan trọng hơn hết, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.

Về phát triển bất động sản xanh, bền vững, đây là xu thế tất yếu cho thị trường và các doanh nghiệp. Trong dài hạn, dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững sẽ mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng. Do đó, bất động sản xanh và bền vững nên được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần./.

 

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-du-kien-gia-chung-cuse-tang-4-6-trong-nam-2021-20201231000000259.html