Hoàn chỉnh phương án điều chỉnh kiến trúc công trình số 8B Lê Trực

UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 73/UBND-ĐT yêu cầu các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, UBND quận Ba Đình, Công ty cổ phần May Lê Trực và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố về xử lý công trình xây dựng tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình).

Trong đó, thành phố yêu cầu chủ đầu tư (Công ty cổ phần May Lê Trực) tổ chức phương án thiết kế kết cấu chỉnh trang công trình bảo đảm an toàn công trình và mỹ quan đô thị.

Hoàn chỉnh phương án điều chỉnh kiến trúc công trình số 8B Lê Trực
 

UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư công trình số 8B phố Lê Trực (quận Ba Đình) khẩn trương hoàn chỉnh phương án điều chỉnh kiến trúc (sau xử lý vi phạm trật tự xây dựng), bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ để hoàn thiện thi công xây dựng theo quy định.

Trước đó ngày 10/12/2020, UBND quận Ba Đình đã bàn giao tòa nhà 8B Lê Trực cho Công ty cổ phần May Lê Trực. Hiện trạng công trình khi UBND quận Ba Đình bàn giao là còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mái tầng 17 là 58,5m; so với giấy phép xây dựng Sở Xây dựng Hà Nội cấp năm 2014 là vượt 5,5 m2; diện tích sàn tăng lên hơn 2.800m2.

Sau khi tiếp nhận tòa nhà, chủ đầu tư đã tập trung nguồn lực để thu dọn mặt bằng, đồng thời làm việc với các nhà thầu hoàn thành các hạng mục còn lại, cố gắng bàn giao căn hộ cho người mua trước Tết Nguyên đán 2021

Việc xử lý dứt điểm vi phạm tại 8B Lê Trực không chỉ bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, được nhân dân, ghi nhận đánh giá cao.

Tạo chuyển biến tích cực đối với những việc tồn đọng nhiều năm

Có thể thấy, việc xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng ở 8B Lê Trực là một trong nhiều ví dụ điển hình khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Thành phố Hà Nội nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực đối với những việc khó, tồn đọng kéo dài nhiều năm.

Một ví dụ “nóng” khác gần đây là những tồn tại, vướng mắc kéo dài nhiều năm tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Thống kê cho thấy, từ giữa năm 2016 đến tháng 10/2020, người dân các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã 7 lần ngăn chặn xe chở rác khiến rác thải ở các quận nội thành và một số huyện ngoại thành bị ùn ứ, gây ảnh hưởng đến môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Chủ trì nhiều cuộc họp với các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe kiến nghị của nhân dân và làm việc với toàn thể các bộ phận liên quan.

Nhấn mạnh, người dân khu vực xử lý rác thải đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với Thành phố, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm, sự chủ động cao; vận dụng tối đa quy định của pháp luật và thẩm quyền của Thành phố, nhưng phải công khai, minh bạch và công bằng.

Từ những chỉ đạo căn cơ, triệt để, quyết liệt của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn đã sốc lại công việc, đến nay tình hình tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đã ổn định và đang triển khai theo đúng tiến độ.

Năm 2021, Hà Nội tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2020.

Tính đến tháng 12/2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8 m2/người, vượt mục tiêu đến năm 2020 (26,3 m2/người).

Theo đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết Sở đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở 2021-2025.

Năm 2021, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ hoàn thành triển khai thí điểm 5 khu chung cư cũ; hoàn chỉnh nội dung Đề án "Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ" theo góp ý của Bộ Xây dựng đồng thời tập trung đôn đốc Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thị xã di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; tiếp tục đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, rà soát thực hiện kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ phải cải tạo xây dựng lại.

Năm 2021, thành phố tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án mới; rà soát quỹ đất hình thành các dự án, khu nhà ở xã hội; sử dụng nguồn tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% trong các khu đô thị, khu nhà ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua.

Cùng với đó, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư tái định cư; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư, ban quản trị không chấp hành các quy định của pháp luật. Sở tổ chức tiếp nhận nhà ở diện tự quản để quản lý và cấp Giấy chứng nhận theo Nghị định số 99 của Chính phủ; lập hồ sơ quản lý danh mục 1.219 biệt thự.

Năm 2021, Hà Nội tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội
Năm 2021, Hà Nội tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, năm 2020, Hà Nội hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281m2 sàn tương ứng với 5.348 căn hộ; 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944m2 sàn, 53.644 căn hộ; 5 dự án nhà ở tái định cư, tương ứng 154.270m2 sàn, 1.723 căn hộ.

Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho thành phố bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư 2.876 căn hộ, thu hồi 2.474 căn hộ; tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với 7 dự án nhà ở xã hội đã được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị hợp tác đầu tư năm 2020 của thành phố.

Sở đã xác nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai của 36 dự án nhà ở, với tổng số 19.451 căn nhà, tương ứng khoảng 1.603.007m2 sàn kinh doanh.

Báo cáo về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn Thủ đô năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết cả nguồn cung mới, lượng giao dịch từ các dự án bất động sản đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Cụ thể, năm 2020, trên thị trường Hà Nội có 28.818 sản phẩm (căn hộ chung cư, nhà ở thấp tầng) được chào bán; 13.834 sản phẩm giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 48%; trong đó căn hộ mới chào bán là 16.350 căn, với 4.350 sản phẩm được giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ đạt 26,6%.

So với các năm trước, lượng cung mới chào bán trong năm qua chỉ đạt 41,8% so với năm 2018; 72,6% so với năm 2019.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân của sự sụt giảm cả lượng cung và giao dịch là do tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh, làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ. Nền kinh tế và thu nhập suy giảm cũng làm giảm lực cầu mua nhà ở và đầu tư kinh doanh bất động sản lâu dài./.

TP HCM đề xuất tháo dỡ chung cư cũ khi có 50% cư dân đồng ý

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Theo quy định hiện nay, việc tháo dỡ, xây dựng mới chung cư cũ phải có sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu.

Trong thời hạn 3 tháng với chung cư nguy hiểm, 12 tháng với chung cư hư hỏng nặng, cộng đồng chủ sở hữu nhà chung cư được toàn quyền lựa chọn nhà đầu tư và phương án bồi thường. Quá thời hạn trên, nhà nước có trách nhiệm tổ chức phá dỡ và lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, UBND TPHCM cho rằng, trên thực tế hết thời hạn cho phép nhưng cộng đồng chủ sở hữu vẫn không đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư. Hoặc trường hợp đạt đồng thuận về phương án bồi thường nhưng sau đó thay đổi giữa nhận tiền hoặc nhận nhà ở. Việc tính toán giá trị giữa nhà ở cũ và nhà ở mới rất phức tạp.

TP HCM đề xuất tháo dỡ chung cư cũ khi có 50% cư dân đồng ý
TP HCM đề xuất tháo dỡ chung cư cũ khi có 50% cư dân đồng ý

UBND TPHCM kiến nghị bổ sung vào dự thảo hai phương án trong trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm. Phương án một là quy định cụ thể chỉ bồi thường, tái định cư bằng căn hộ.

Phương án hai, vẫn quy định hai phương thức bồi thường bằng tiền hoặc căn hộ. Nhà nước sẽ cưỡng chế thực hiện việc tháo dỡ để đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm khi có từ 50% chủ sở hữu căn hộ đồng ý và chủ sở hữu bị cưỡng chế sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền với mức bằng với giá trị trung bình của các chủ sở hữu đã chấp thuận.

Theo UBND TPHCM, hiện trên địa bàn có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Trong nhiệm kỳ qua, mới chỉ có khoảng 10 chung cư được tháo dỡ. Những chung cư xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cư dân, mất mỹ quan đô thị nhưng các quy định về tháo dỡ, chấp thuận chủ trương đầu tư đang làm khó nhà đầu tư và cả Nhà nước./.

Phân khúc mặt bằng bán lẻ: Nghịch lý chỗ ế ẩm, chỗ thiếu nguồn cung

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận không ít các khách sạn 5 sao và khu nghỉ dưỡng cao cấp hướng trọng tâm đến nhóm khách hàng tại Việt Nam thay vì chỉ tập trung vào du khách quốc tế, thị trường bắt đầu có bước chuyển mình lớn trong lĩnh vực dịch vụ - giải trí và kinh doanh hàng xa xỉ. Các nhà bán lẻ đang đặt nhiều niềm tin vào người tiêu dùng Việt Nam nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực như GDP tăng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số trẻ, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho hay, các nhà bán lẻ đang đặt nhiều niềm tin vào người tiêu dùng Việt Nam nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực như GDP tăng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số trẻ, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao.

Đặc biệt, sự hiện diện gần đây nhất của những thương hiệu lớn tại khu vực Tràng Tiền là một dấu hiệu đáng mừng về niềm tin dành cho thị trường Việt Nam khi ở các thành phố khác hoặc ở quốc gia khác, các nhãn hàng không nhận thấy cơ hội trong việc mở cửa hàng mới hoặc đánh giá hoạt động kinh doanh có thể quá rủi ro.

Phân khúc mặt bằng bán lẻ: Nghịch lý chỗ ế ẩm, chỗ thiếu nguồn cung
Phân khúc mặt bằng bán lẻ: Nghịch lý chỗ ế ẩm, chỗ thiếu nguồn cung

Savills ghi nhận sự quan tâm lớn của các nhãn hàng tới thị trường Việt Nam và một trong vài vấn đề chính của họ là xác định mặt bằng phù hợp.

Quá trình tìm kiếm mặt bằng được đánh giá là một thách thức vì các nhãn hàng xa xỉ có nhiều yêu cầu trong việc xác định địa điểm phù hợp. Họ cần địa điểm nằm trong khu vực có đối tượng khách hàng tiềm năng, có lưu lượng khách qua lại lớn. Với ngành hàng xa xỉ, mặt bằng cho thuê tại xung quanh khu vực Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Ngô Quyền, các địa điểm phù hợp còn rất ít. Tại đây, số lượng địa điểm chưa vượt quá 30. Đã có không ít nhãn hàng chấp nhận lựa chọn địa điểm ở các trục phố khác hoặc tại các tòa nhà nhỏ. 

Trong khu vực trung tâm, thử thách sẽ càng lớn nếu nhãn hàng xa xỉ yêu cầu mặt bằng diện tích lớn và chất lượng tốt, với các chỉ số mặt bằng (độ cao, độ sâu, độ rộng,...) phù hợp. Yếu tố chủ đầu tư cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để các bên có thể ký hợp đồng thuê. Với một giá thuê cao, các nhãn hàng cần phải tự tin đứng vững trên thị trường trong khoảng thời gian thuê 10 năm.

Vì vậy, trong vài năm tới, kỳ vọng cũng rơi vào một số trung tâm thương mại chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất hiện tại Việt Nam. Các trung tâm thương mại với nguồn mặt bằng chất lượng cao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà bán lẻ trong bối cảnh thị trường trong nước chưa có nhiều các trung tâm thương mại như vậy. Hoạt động quản lý tòa nhà và tiếp thị thực sự là các hạng mục quan trọng để giữ chân các nhà bán lẻ hiện hữu và thu hút các nhà bán lẻ mới vào trung tâm thương mại.

Các nhãn hàng cũng cần chú ý đến xu hướng giá thuê tăng và cạnh tranh. Tại các trung tâm thương mại lớn, các địa điểm thuê lý tưởng chỉ trống sau khoảng 10 hoặc 20 năm, giá tăng là xu hướng tất yếu.

Ông Matthew Powell cho rằng: "Thị trường Hà Nội đang thiếu những dự án bất động sản chất lượng cao, có sẵn, để đáp ứng nhu cầu và điều kiện của các thương hiệu trong ngành mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang, mặt hàng xa xỉ. Có những nhãn hàng cao cấp mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam nhưng chưa thể tìm thấy địa điểm phù hợp, nên họ tiếp tục ở tình trạng chờ đợi hoặc tìm kiếm tại nhóm thị trường khác".

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, hoạt động của thị trường bán lẻ trong năm 2020 đã bắt đầu có xu hướng chậm lại dần do chịu ảnh hưởng từ đại dịch và sự lên ngôi của hoạt động thương mại điện tử. Sang năm 2021, các dự án bán lẻ thu hút FDI sẽ tập trung chủ yếu ở dự án phức hợp (bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, bán lẻ) thay vì các dự án độc lập.

Thống nhất chủ trương xây dựng thành phố thuộc TP Hải Phòng

Bộ Nội vụ đề nghị UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo Sở Nội vụ, các cơ quan liên quan và UBND huyện Thủy Nguyên đánh giá các điều kiện, tiêu chuẩn về thành lập thành phố theo quy định để xây dựng hồ sơ, đề án đảm bảo đúng quy định. Khi xây dựng đề án cần lồng ghép việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Tờ trình của UBND TP. Hải Phòng gửi Bộ Nội vụ về việc báo cáo thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố thuộc TP. Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, so sánh với 5 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Thủy Nguyên cơ bản đạt được 5 tiêu chuẩn về dân số, diện tích, số đơn vị  hành chính cấp xã trực thuộc, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với 1 tiêu chí về cân đối thu chi ngân sách trong tiêu chuẩn thứ 5: Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội chưa đạt theo quy định, UBND TP. Hải Phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND huyện Thủy Nguyên tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu trong năm 2021 phải đạt theo quy định.

So sánh quy định tiêu chuẩn đạt của phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Thủy Nguyên hiện có 18/37 (48,7%) xã đạt tiêu chuẩn phường thuộc thành phố. Do vậy, trong quá trình thực hiện xây dựng đề án thành lập thành phố sẽ thực hiện sắp xếp môt số xã, thị trấn thuộc huyện Thủy Nguyên đảm bảo tiêu chuẩn của phường đạt tỷ lệ 65% trở lên là phường theo quy định (dự kiến thành lập 18 phường/27 xã, phường, đạt tỷ lệ phường 67%).

Chủ trương xây dựng đề án sẽ đáp ứng được các yêu cầu: thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 45-NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/11/2019 của Chính phủ và Chương trình hành động số 76-Ctr/TU ngày 8/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy; không làm tăng số lượng đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và biên chế hiện có của huyện Thủy Nguyên và giảm được đơn vị hành chính cấp xã.

Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, trở thành trung tâm hành chính - chính trị của thành phố Hải Phòng, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, giải trí, giáo dục của thành phố Hải Phòng cũng như vùng duyên hải Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, từ 2016 - 2020 huyện Thủy Nguyên đã được đầu tư hơn 26.690 tỷ đồng. Trong đó trên 14.841 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công phục vụ cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT mới Bắc Sông Cấm, các dự án hạ tầng giao thông, chương trình nông thôn mới... Khoảng 11.849 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách và FDI đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Từ 2021 - 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ hướng đầu tư trên địa bàn huyện Thủy Nguyên khoảng 141.399 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công là 33.261 tỷ đồng và nguồn vốn ngoài ngân sách hơn 108.138 tỷ đồng. Vốn đầu tư công sẽ được tập trung cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đối nội và đối ngoại kết nối Thủy Nguyên với trung tâm hành chính cũ và các tỉnh trong vùng; các dự án hạ tầng kỹ thuật KĐT mới và khu kiến trúc Bắc Sông Cấm...

Vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư FDI tiếp tục tập trung vào các dự án hạ tầng đô thị và công nghiệp. Trong đó, tập trung vào một số dự án lớn như: xây dựng dự án KĐT VSIP Hải Phòng; KĐT mới Green River (xã Hoa Động); KĐT mới Hoàng Huy New City (xã Tân Dương và Dương Quan); dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Thủy Nguyên; dự án đầu tư hạ tầng các CCN Kiền Bái, Kênh Giang…

Cũng theo ông Tùng, khi huyện Thủy Nguyên được nâng cấp thành đô thị, TP. Hải Phòng sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, hệ thống trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại, các khu dịch vụ, các công trình công ích...

Trước đó, ngày 24/11/2020, Thành ủy Hải Phòng ban hành thông báo số 42 thông báo ý kiến của Ban thường vụ Thành ủy về chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố thuộc TP. Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đồng ý chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố thuộc TP. Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên. Đồng thời, giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng đề án theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển thành phố theo Nghị quyết 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ 16 nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngày 4/12/2020, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản số 7715 về chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố thuộc TP. Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên.

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-hoan-chinh-phuong-an-dieu-chinh-kien-truc-cong-trinh-so-8b-le-truc-20201231000000298.html