Thanh tra Chính phủ kiến nghị tạm dừng cấp giấy phép xây dựng dự án Condotel

Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng việc một số địa phương trong đó đặc biệt là Khánh Hòa thời gian qua ồ ạt cấp đất ở không hình thành đơn vị ở cho hàng loạt dự án tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện. Do đó, TTCP có kiến nghị tháo gỡ liên quan đến loại hình bất động sản này trong đó có việc đề nghị tạm thời không cấp phép mới dự án Condotel.

Việc đầu tư, xây dựng loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng đã mang lại một số hiệu quả như thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy về tăng tốc độ và quy mô phát triển du lịch, dịch vụ; góp phần giải quyết việc làm, tang nguồn thu ngân sách địa phương...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, chủ yếu là do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú...

TTCP cho rằng, các vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực do các Luật khác nhau điều chỉnh như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Qui hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Cư trú... nên cần thiết phải được nghiên cứu để có giải pháp đồng bộ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị tạm dừng cấp giấy phép xây dựng dự án Condotel  (Ảnh: Tienphong)

Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất ở không hình thành đơn vị ở (biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ condotel) tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác, theo hướng khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ.

Theo thống kê mới nhất từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính chung trong 9 tháng của năm 2020, cả nước chỉ ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm Condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, theo thống kê có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.

Những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận,… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Lý giải về tình trạng èo uột này các chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng cùng với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19, khung pháp lý cho loại hình Condotel vẫn chưa thực sự rõ ràng. Cũng phải kể đến những tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án Du lịch, nghỉ dưỡng trong thời gian qua.

Điểm sáng trong thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm là giai đoạn cuối tháng 9/2020. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình như tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh; không gây xáo trộn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư và có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, vài năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại.

TTCP kiến nghị: “Trước mắt, tạm dừng cấp phép dự án Condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải quyết cụ thể vấn đề Condotel trên toàn quốc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và bộ ngành liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi Điều 13 của Nghị định số 43/2014/NĐCP theo hướng đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế với công tác an ninh, quốc phòng đối với các dự án có sử dụng đất tại biển, đảo phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Lùm xùm đấu giá khu 'đất vàng' ở Long Biên

Theo Tiền phong, sau nhiều lần hoãn, UBND quận Long Biên (Hà Nội) mới đây đã tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng ô đất TT3 thuộc dự án xây dựng HTKT các ô đất thuộc ô quy hoạch C14 (C14/NO4, C14NO5, C14/NO6, C14CC1, C14CC2, C14CX3, C14/TH1, C14THCS1, C14.NT3) và các tuyến đường phụ cận phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất, phường Phúc Đồng, quận Long Biên.

Khu đất trên có vị trí đẹp, được xem là "đất vàng" của trung tâm quận Long Biên với đồng bộ hạ tầng vì vậy việc bán đấu giá khu đất TT3 được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là khi nó có giá khởi điểm thấp.

Khu đất TT3 có vị trí đẹp với việc đã được UBND quận Long Biên chi hàng tỷ đồng để GPMB, đầu tư đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Đình Phong.

"Ô đất đấu giá TT3 là ô đất sạch, đã được UBND quận Long Biên GPMB, đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: san nền, hệ thống đường giao thông; hệ thống hè, vỉa, trồng mới cây xanh; xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước; xây dựng hệ thống cáp điện, chiếu sáng... nên nhiều nhà đầu tư ai cũng muốn có được nó. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn ít người biết rõ doanh nghiệp nào đã trúng đấu giá ô đất vàng TT3 dù nói đã công bố sau khi trúng đấu giá", một nhà đầu tư cho hay.

Theo Quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng nhà ở thấp tầng để bán đối với ô đất TT3 (số 4528/QĐ-UBND) của UBND quận Long Biên ngày 27/8/2020 thì tổng diện tích ô đất là 22.267,1 m2, diện tích đấu giá 15.949,9 m2 với 128 thửa. Còn giá khởi điểm đấu giá phê duyệt cho gần 15.949,9 m2 là gần 680 tỷ đồng, tương đương đơn giá đất là 42,63 triệu đồng/m2. 

Dù cơ quan chức năng chưa phê duyệt kết quả trúng đấu giá khu đất TT3 nhưng các môi giới đã rầm rộ rao bán với giá từ 95-120 triệu đồng/m2. Trong ảnh: Sơ đồ phân lô liền kề Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng ô đất TT3 gồm 128 lô với diện tích từ 102-211m2/lô mà môi giới gửi cho PV.

Điều đáng nói dù kết quả trúng đấu giá khu đất TT3 vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên, trên thị trường các “cò” đất, các sàn môi giới BĐS đã rầm rộ chào bán các lô đất liền kề tại dự án này với mức giá giao động khoảng từ 95-120 triệu đồng/m2. "Giá đất khu vực liền kề xung quanh dự án này cũng giao động từ 100-120 triệu đồng/m2, trong khi ở đây đất đấu giá đã có sẵn hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nên rất nhiều nhà đầu tư muốn xuống tiền", môi giới nhà đất phân tích.

Việc khu đất có vị trí đẹp, đồng bộ hạ tầng với giá khởi điểm thấp và giá trúng đấu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường sẽ khiến Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách.

Luật sư Trần Thanh Quyết, Công ty TNHH Hà Quyết và Cộng sự cho biết, theo Luật Đất đai, nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất khi xác định giá khởi điểm là phải sát với giá phổ biến trên thị trường của loại đất cùng vị trí, cùng mục đích sử dụng và cùng điều kiện hạ tầng. Luật sư Quyết cho rằng, với kết quả của phiên đấu giá ngày 17/10 vừa qua tại Long Biên đang cho thấy có thể xảy ra chênh so với giá thực tế giao dịch hàng trăm tỷ đồng.

Trung tâm phát triển quỹ đất quận Long Biên- đơn vị có tài sản là khu đất đấu giá cho hay, quy trình đấu giá công khai minh bạch, giá trúng là tiền sử dụng đất, ngoài ra nhà đầu tư phải đóng tiền hạ tầng kỹ thuật, tiền phát triển dự án,...

Đề cập về giá khởi điểm và giá trúng thấp hơn mặt bằng giao dịch hiện nay trên thị trường, vị cán bộ cho rằng, việc so sánh giá trong trường hợp này không được áp dụng vì đây là dự án phát triển nhà ở để bán, do đó áp dụng phương pháp thặng dư để tính giá khởi điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Trình - Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, đến thời điểm này thành phố vẫn chưa có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án xây dựng nhà ở thấp tầng ô đất TT3 tại phường Phúc Đồng.

Khi PV thắc mắc về việc, vì sao phiên đấu giá đã diễn ra hơn 20 ngày (từ ngày 17/10-PV) nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, ông Trình cho rằng việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá do thành phố quy quyết định: “Thường trình thành phố phê duyệt kết quả đấu thầu là hơi lâu, có những cái nhanh cái chậm, tùy từng cái”.

HoREA đề nghị cho đất nông nghiệp được tách thửa

Ngày 06/11, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi đến UBND TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM góp ý dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 60 của UBND TP HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa. Theo đó, HoREA thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ giải quyết tách thửa đối với đất ở đô thị, đất ở nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể của thành phố.

Theo HoREA cần phải bổ sung quy định cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần đất nông nghiệp thành đất ở, sau đó thực hiện thủ tục cho phép tách thửa. Đại diện HoREA cho biết, thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP chỉ giải quyết tách thửa đối với đất ở đô thị, đất ở nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể của TP.

Bên cạnh đó, quy định cũng cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất, nhất là đối với các thửa đất ở có xen cài đất nông nghiệp.

HoREA đề nghị cho chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở rồi tách thửa (Ảnh: Internet)

Hiệp hội đề nghị dự thảo quyết định thay thế (hoặc sửa đổi, bổ sung) Quyết định 60 của UBND TP cần bổ sung quy định cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần đất nông nghiệp thành đất ở, sau đó thực hiện thủ tục cho phép tách thửa.

Cụ thể, đối với trường hợp thửa đất không thuộc khu vực Nhà nước phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt, UBND quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất, xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, sau đó thực hiện tách thửa đất theo quy định. Thửa đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa phải đảm bảo các điều kiện quy định về tách thửa (tương tự như quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 3 Quyết định 33 của UBND TP HCM trước đây).

Đối với trường hợp sau khi tách thửa đất ở thành các thửa đất ở nhỏ hơn, mà người sử dụng đất của từng thửa đất này tự nguyện thỏa thuận dành một phần diện tích của mỗi thửa đất để làm "thông hành địa dịch" gồm lối đi chung, xây dựng công trình cấp nước, cấp điện, thoát nước… (thực hiện theo quy định tại Điều 171 luật Đất đai về quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề), thì diện tích đất ở của mỗi thửa đất vẫn được ghi nhận đầy đủ, kể cả phần diện tích đất làm "thông hành địa dịch" trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

HoREA cũng thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường không quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp và các loại đất khác, bỏ các quy định về thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở), bỏ quy định về tách thửa có hình thành đường giao thông trong Quyết định thay thế (hoặc sửa đổi, bổ sung) Quyết định 60 của UBND TP.

Ngoài ra, HoREA đề xuất bỏ thêm quy định về những trường hợp không được tách thửa tại Điều 4 Quyết định 60 của UBND TP, vì pháp luật về đất đai không giao thẩm quyền này cho UBND cấp tỉnh.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất, người sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp; người sử dụng thửa đất ở có nhu cầu tách thửa, mà việc tách thửa có hình thành đường giao thông thì HoREA đề nghị, đối với các trường hợp này, người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Phường Văn Chương: Vỉa hè cổng trường “biến” thành bãi trông giữ xe ngày và đêm

Tại khu vực cổng sau trường tiểu học Văn Chương (ngõ Trung Tiền, Đống Đa, Hà Nội), thực tế ghi nhận toàn bộ vỉa hè khu vực này bị "cướp" làm điểm trông giữ xe ngày và đêm.

Nguy cơ mất ATGT luôn thường trực xung quanh khu vực cổng trường tiểu học Văn Chương.

Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông khu vực, điểm trông giữ xe này còn không có bất cứ biển bảng niêm yết giá vé hay số giấy phép được cấp, không có thông tin cụ thể diện tích được sử dụng vỉa hè. Bãi xe nói trên ở ngoài trời, có nhiều phương tiện đậu, đỗ, gửi tại đây, trong khi hệ thống phòng cháy chữa cháy sơ sài hay gần như không có. Trong khi đó, bãi xe tự phát lại nằm ngay sát khu dân cư và trường học như vậy nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn rất dễ gây ra những hậu quả nặng nề.

Mỗi ngày, điểm trông giữ xe này thường có đến cả vài chục lượt xe ô tô, xe máy ra - vào. Chỉ cần tính nhanh, số tiền thu được hàng tháng tại các bãi gửi xe này là rất lớn. Thế nhưng, số tiền này sau đó “trôi” về đâu và ai quản lý, sử dụng, nộp ngân sách ra sao vẫn là câu hỏi được dư luận đặt ra nhưng chưa có câu trả lời từ chính quyền địa phương.

Liên quan đến vấn nạn này, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các điểm trông giữ xe đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND và trưởng công an các quận/phường giám sát chặt chẽ các điểm trông giữ xe. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện, thị. Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, chủ tịch UBND quận, huyện, thị chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND Thành phố.

Theo Nguyễn Mây (tổng hợp)/Đô Thị Mới