Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu cấp “sổ đỏ” cho condotel, officetel

Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo số 33/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Có nhiều nội dung được đề cập đến trong thông báo này, trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện tình hình thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020; đôn đốc các địa phương sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.

Phó Thủ Tướng yêu cầu nghiên cứu cấp “sổ đỏ” cho condotel, officetel.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại hình BĐS mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số định chế tài chính để huy động các nguồn lực cho thị trường bất động sản, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ tín dụng lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Về phía địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn; tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội; bố trí đủ nguồn lực, kinh phí để hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.

Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đề xuất đánh thuế hành vi chuyển mục đích sử dụng đất

Mới đây, HoREA có đề xuất Chính phủ xem xét bãi bỏ phương thức thu tiền sử dụng đất kiểu tận thu, thu trước một lần. Thay vào đó, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở.

Theo đề xuất của Hiệp hội, thuế suất này có thể áp bằng khoảng 15-20% bảng giá đất nhằm giảm nhẹ gánh nặng và gỡ vướng ở khâu tính tiền sử dụng đất như hiện nay. Đồng thời, bổ sung thuế BĐS theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước.

Hiệp hội nhận định, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai rất lớn, đặc biệt là các nguồn thu sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất đô thị, đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, là nguồn thu thứ cấp, phái sinh từ đất đai.

Nếu giảm trực thu, tận thu từ đất đai, thì ban đầu, nguồn thu ngân sách nhà nước có ít hơn một chút, nhưng người dân và doanh nghiệp được lợi. Đại diện HoREA cho rằng, sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước mà vẫn còn thừa tiền, người dân sẽ tăng chi tiêu cho tiêu dùng hoặc kinh doanh, còn doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh. Cuối cùng, Nhà nước được lợi vì quy mô nền kinh tế sẽ tăng trưởng lớn hơn và mở rộng được diện thu, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. 

Người mua, thuê mua NOXH không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu 5 năm

Mới đây, Sở Tư pháp TP HCM vừa có văn bản yêu cầu Trưởng các tổ chức hành nghề công chứng quán triệt việc công chứng mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội (NOXH).

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm

Theo đó, dưới sự kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các hoạt động Chương trình NOXH giai đoạn 2015 – 2019 tại quận 9, 12 và Bình Tân tại TP HCM. Trong đó, kiến nghị giao Sở Tư pháp thực hiện yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP HCM thực hiện nghiêm quy định tại khoản 3 và 4, Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ: "Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua".

Theo đó, Sở Tư pháp yêu cầu Trưởng các tổ chức hành nghề công chứng quán triện, thực hiện nghiêm nội dung trên.

Hiện nay, tại TP HCM rất nhiều trường hợp sang nhượng nhà ở xã hội thu tiền chênh lệch qua hợp đồng ủy quyền có công chứng. Nhiều người bán nhà do không có nhu cầu ở thì trong khi nhiều người khác vẫn đang "dài cổ" xếp hàng chờ mua NOXH. 

Theo Hồng Lĩnh/Đô Thị Mới