Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, một cơn bão mạnh có tên quốc tế là DOKSURI đang hoạt động ở vùng biển phía Đông của Philippin.

Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão DOKSURI ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 124,6 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24h tới, bão DOKSURI có khả năng mạnh thêm. Bão DOKSURI di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km/h. Đến 7h ngày 26/7, vị trí tâm bão vào khoảng 19,3N-121,2E. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng: khu vực phía Đông của Bắc Biển Đông.

Bão DOKSURI giật trên cấp 17, khả năng trở thành siêu bão tiến gần Biển Đông - Ảnh 1
Vị trí và đường đi của cơn bão DOKSURI.

Trong 48h tới, bão DOKSURI di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 km/h. Đến 7h ngày 27/7, vị trí tâm bão vào khoảng 21,0N-119,5E. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng: khu vực phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cường độ mạnh cấp 13-15, giật cấp 17.

Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cường độ bão suy yếu dần.

Từ chiều ngày 25/7, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ chiều và đêm ngày 26/7 mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-13, giật cấp 16; biển động dữ dội.

Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 5-7m.

Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng,

Dự kiến sau đó, bão DOKSURI sẽ tiếp tục đi lên phía Bắc và có khả năng đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Mặc dù ít có khả năng đi vào Biển Đông, nhưng theo hướng dự báo, siêu bão này vẫn sẽ gây mưa to và gió mạnh cho khu vực phía Đông của vùng biển Bắc và giữa Biển Đông.

Bên cạnh đó, tác động của bão cũng khiến gió Tây Nam trên khu vực biển phía Nam từ Bình Thuận - Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông, bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa của Việt Nam, mạnh lên cấp 6 và giật cấp 8, đi kèm với biển động và mưa giông mạnh.

Mặc dù cơn bão DOKSURI ít có khả năng đi vào Biển Đông, nhưng những tác động của nó trên khu vực này vẫn đòi hỏi sự quan tâm và cảnh giác từ chúng ta. Chúng ta nên luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn và ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão DOKSURI, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Doksuri, rà soát, thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm (vùng nguy hiểm trong 24 - 48 giờ tới là phía bắc vĩ tuyến 17,0; phía đông kinh tuyến 116,5 và được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các địa phương rà soát lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Lan Anh/kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bao-doksuri-giat-cap-79164.html