Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2022 số lượng DN đầu tư, kinh doanh BĐS phá sản, dừng hoạt động tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021, có tập đoàn giảm 60 - 70% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong hai tháng đầu năm 2023, số lượng DN kinh doanh BĐS thành lập mới là 550, giảm 62,4% so với cùng kỳ; số lượng DN quay trở lại hoạt động là 608, bằng 81,2% so với cùng kỳ; số lượng DN giải thể là 235, tăng gần 20%.

Tình trạng môi giới bất động sản nghỉ việc tiếp tục gia tăng trong năm 2023
Tình trạng môi giới bất động sản nghỉ việc tiếp tục gia tăng trong năm 2023

Những tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động của thị trường BĐS vẫn chưa cho thấy có tín hiệu khởi sắc. Báo cáo tài chính của một số DN lớn hoạt động trong mảng môi giới BĐS có sự giảm sút mạnh cả về doanh thu cũng như lợi nhuận.

Trong số 130.000 môi giới đang làm việc cho các DN, sàn môi giới BĐS, đến thời điểm này chỉ còn chưa đầy 30.000 người còn “bám trụ” với nghề và con số này dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, trước tình trạng thị trường BĐS vẫn chưa thể phục hồi, trong thời gian chờ đợi hoàn thiện quy định pháp lý, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan từ các chuyên gia, mặc dù hoạt động môi giới BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng khủng hoảng chung của toàn thị trường nhưng như thế không có nghĩa rằng những người làm môi giới đã hết thời. Bởi năm 2023 sẽ là năm khởi động cho tiến trình “phá băng” của ngành BĐS, nhiều tín hiệu tích cực trên cơ sở những giải pháp mang tính chiến lược của Nhà nước được ban hành, đưa vào thực hiện.

Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; Nghị quyết 08/2023/NQ-CP về việc giãn nợ trái phiếu DN; Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS, bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội...

Trước đó, do những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, từ giữa quý III đến cuối năm 2022, hoạt động của các sàn giao dịch có dấu hiệu khó khăn hơn, lượng giao dịch giảm mạnh so với thời điểm đầu năm, dẫn đến quy mô của sàn giao dịch giảm, số lượng môi giới BĐS cũng giảm theo. Cụ thể, từ vài tháng nay, khá nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn đổ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể. 

Các nút thắt về pháp lý khiến nguồn cung khan hiếm, sự suy giảm của thị trường trái phiếu khiến doanh nghiệp khó huy động vốn và “cú đá bồi” kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được xem là những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản năm 2022 trở nên trầm lắng. Không có dòng vốn, việc triển khai dự án bị đứt đoạn, hoạt động mua bán bị đình trệ.

Tình hình hoạt động của các DN BĐS trong năm 2022 đối với nhóm thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: thành lập mới là 8.593 DN, tăng khoảng 13,7%; quay trở lại hoạt động là 2.081 DN, tăng khoảng 56,7%. Tuy nhiên, đáng chú ý trong năm số lượng DN BĐS tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Hội Môi giới bất sản Việt Nam cho thấy lượng cung toàn thị trường đạt mức thấp kỷ lục, chỉ 22.769 sản phẩm, bằng 1/7 so với năm 2018; tổng lượng giao dịch chỉ đạt 11.592, bằng khoảng 1/10 so với năm 2018. Các con số trên cho thấy nguồn hàng chào bán không dồi dào và thanh khoản thị trường suy yếu mạnh. Các thành tố tham gia vào thị trường đang chịu tác động lớn, trong đó có môi giới bất động sản.

Các DN kinh doanh BĐS, nhiều sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, các sàn còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 - 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí có sàn giao dịch giảm đến 70% lượng nhân sự, đồng thời cắt giảm lương, nhiều sàn buộc phải cho nhân viên nghỉ tết sớm.

Cùng với đó, nhiều DN BĐS rơi vào tình trạng thiếu dòng tiền để trả cho DN cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế; Khách hàng mua BĐS cũng khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản sản phẩm, dự án BĐS dẫn đến việc DN kinh doanh BĐS không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư. Ngoài ra, khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều DN không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bao-dong-tinh-trang-moi-gioi-bat-dong-san-nghi-viec-20201231000009088.html