Trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, từ giữa quý III đến cuối năm 2022, hoạt động của các sàn giao dịch có dấu hiệu khó khăn hơn, lượng giao dịch giảm mạnh so với thời điểm đầu năm, dẫn đến quy mô của sàn giao dịch giảm, số lượng môi giới BĐS cũng giảm theo. Cụ thể, từ vài tháng nay, khá nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn đổ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.
Các nút thắt về pháp lý khiến nguồn cung khan hiếm, sự suy giảm của thị trường trái phiếu khiến doanh nghiệp khó huy động vốn và “cú đá bồi” kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được xem là những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản năm 2022 trở nên trầm lắng. Không có dòng vốn, việc triển khai dự án bị đứt đoạn, hoạt động mua bán bị đình trệ.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Hội Môi giới bất sản Việt Nam cho thấy lượng cung toàn thị trường đạt mức thấp kỷ lục, chỉ 22.769 sản phẩm, bằng 1/7 so với năm 2018; tổng lượng giao dịch chỉ đạt 11.592, bằng khoảng 1/10 so với năm 2018. Các con số trên cho thấy nguồn hàng chào bán không dồi dào và thanh khoản thị trường suy yếu mạnh. Các thành tố tham gia vào thị trường đang chịu tác động lớn, trong đó có môi giới bất động sản.
“Thị trường BĐS khó khăn thì nhân sự trong ngành, đặc biệt là tuyến đầu như đội ngũ môi giới BĐS là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.
Các DN kinh doanh BĐS, nhiều sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, các sàn còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 - 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí có sàn giao dịch giảm đến 70% lượng nhân sự, đồng thời cắt giảm lương, nhiều sàn buộc phải cho nhân viên nghỉ tết sớm.
Cùng với đó, nhiều DN BĐS rơi vào tình trạng thiếu dòng tiền để trả cho DN cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế; Khách hàng mua BĐS cũng khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản sản phẩm, dự án BĐS dẫn đến việc DN kinh doanh BĐS không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư. Ngoài ra, khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều DN không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.
Theo lý giải của đại diện Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, hoạt động của các DN kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn, do: Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều DN thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án; Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Trước đó, nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam từng cho biết thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản. Thời kỳ thị trường sôi động, đặc biệt là nóng sốt, đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng. Đặc biệt, khi thị trường nóng sốt, việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới.
Tình hình hoạt động của các DN BĐS trong năm 2022 đối với nhóm thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: thành lập mới là 8.593 DN, tăng khoảng 13,7%; quay trở lại hoạt động là 2.081 DN, tăng khoảng 56,7%. Tuy nhiên, đáng chú ý trong năm số lượng DN BĐS tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/moi-gioi-bat-dong-san-2023-kho-khan-chong-chat-kho-khan-20201231000008762.html