Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản từ đầu năm 2020 đến nay gần như đóng băng, lượng giao dịch sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp, bộ, ngành chức năng đề xuất để phục hồi thị trường bất động sản hậu dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng
Đánh giá về thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2020, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, khiến lượng giao dịch giảm sút. “Có đến gần 80% sàn giao dịch bất động sản phải tạm ngừng hoạt động, số còn lại (khoảng 200 sàn) hoạt động cầm chừng. Việc mua - bán bị ngưng trệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền đầu tư trên thị trường...”, ông Nguyễn Trần Nam thông tin.
Thực tế, hoạt động của thị trường bất động sản đã có sự sụt giảm từ năm 2019 do tín dụng bất động sản được siết chặt. Hết quý I đầu quý II-2020, sau khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV-2019.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, bất động sản gần như đóng băng toàn bộ vì dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp chuyển sang rà soát, tái cấu trúc sản phẩm, phương thức bán hàng... Tuy nhiên, theo ông Dũng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giải quyết được việc kích cầu thị trường bất động sản, từ đó kéo theo nhu cầu của nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Song, theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, đến nay, việc triển khai chính sách với doanh nghiệp bất động sản còn chậm và vướng mắc về thủ tục ở các bộ, ngành. Đơn cử để được vay vốn mới, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ, song việc này khó khả thi khi thị trường trầm lắng như hiện nay.
Chủ động kích cầu thị trường
Để hồi phục thị trường bất động sản, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trước hết cần thực hiện nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ; đồng thời đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy nhu cầu về nhà ở...
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, để có hướng đi cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp phải chủ động kích cầu bằng cách giảm giá cho thuê, giãn tiến độ thanh toán, giảm giá bán nhà, tăng mức chiết khấu… Đặc biệt là coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu chủ yếu của thị trường. Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá 5% khi khách hàng đóng tiền mua sản phẩm theo hợp đồng; giảm giá 7-10% cho đội ngũ y, bác sĩ khi mua nhà ở...
Thừa nhận bản thân các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong hoạt động và mong muốn của đa số doanh nghiệp là được hỗ trợ tháo gỡ về cơ chế chứ không phải hỗ trợ về vốn, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh thông tin, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó, giải pháp cấp bách là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. “Hiện, Bộ Xây dựng đang được giao nghiên cứu, sửa đổi một số quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn, quỹ đất, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển loại hình nhà ở này”, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp nhằm khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu. Theo đó, Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp (diện tích dưới 75m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2). “Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Chính phủ trong quý III-2020. Nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Về lâu dài, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bộ cũng được Chính phủ giao đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 để bảo đảm tính đồng bộ và cải cách thủ tục hành chính; bên cạnh đó sẽ sửa đổi nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan, hợp nhất thành một văn bản hướng dẫn, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện thuận lợi.