Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kýHội Môi giớiBất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kýHội Môi giớiBất động sản Việt Nam

PV: Thưa ông, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel ghi nhận sự chững lại trong năm 2018 nhưng quý IV có sự phát triển trở lại khi niềm tin của nhà đầu tư dần được cải thiện. Trong năm 2019, phân khúc này sẽ diễn biến như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đính: Hiện nay, nền kinh tế du lịch ở Việt Nam đang được hưởng thành quả với sự tăng trưởng rất ấn tượng, với tỷ lệ tăng trưởng cao, bình quân 20%/năm của ngành kinh tế du lịch. Đây chính là động lực tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, bởi vì tạo ra thị trường nghỉ dưỡng chính là tạo ra hệ thống hạ tầng, dịch vụ, để sẵn sàng đón ngày càng nhiều hơn khách du lịch trong và ngoài nước. Có thể nói, bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay đang là xu thế bắt buộc phải phát triển tại các vùng có tiềm năng du lịch. Do đó tôi nghĩ rằng đó là cơ hội cho các nhà đầu tư và họ đã nhìn thấy những con số phát triển thật sự nên đã có niềm tin đầu tư trở lại vào phân khúc này.

Bên cạnh đó, do Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế và cơ hội phát triển du lịch thuộc nhóm tốt nhất thế giới nên chắc chắn sẽ tạo niểm tin và thúc đẩy hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lượng giao dịch thành công năm 2019về sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vượt năm 2018 khoảng trên 50%.

PV: Cho đến nay, câu chuyện pháp lý condotel vẫn khiến nhiều nhà đầu tư e ngại, theo ông vấn đề này có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong năm 2019?

Ông Nguyễn Văn Đính: Câu chuyện pháp lý cho condotel được quan tâm là khởi nguồn từ tâm lý sở hữu “mảnh đất cắm dùi” của người Việt Nam. Tuy nhiên đối với quốc tế, trong hoạt động đầu tư đặc biệt là đầu tư bất động sản, người ta quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả đầu tư, tại dự án nào, khu vực nào, chủ đầu tư là ai, đơn vị nào quản lý vận hành… Ở các nước, khi đầu tư người ta xác định như một cổ đông và chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận họ được hưởng khi tham gia.

Còn ở Việt Nam, chúng ta có thói quen, văn hoá phải được sở hữu, chắc chắn. Song hiện nay, chúng ta cũng thấy rằng khái niệm đó với nhà đầu tư Việt Nam đã giảm đi, thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả kinh doanh; chú trọng nhiều hơn đến kế hoạch, chiến lược, đối tượng cụ thể của dự án là ai, có mang lại lợi nhuận cho họ sau khi đưa vào vận hành khai thác không, họ đảm bảo chắc chắn lợi nhuận thu được cho dài hạn. Do vậy, những dự án bất động sản có thương hiệu, uy tín, tiềm lực mạnh và được vận hành bởi các đơn vị uy tín trên thế giới luôn thu hút sự tập trung của khách hàng. Đó sẽ là xu hướng của năm 2019.

PV: Bên cạnh các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí truyền thống, một loại hình mới hiện cũng đang nhận được sự quan tâm là casino. Đến nay, một số doanh nghiệp cũng đưa ra chiến lược phát triển loại hình này. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của sản phẩm casino trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Đính: Casino là một sản phẩm đầu tư đặc biệt, ở Việt Nam chưa có nhiều, nhưng thế giới đã xuất hiện từ lâu và có nhu cầu sử dụng rất mạnh. Một khu vực có casino đạt chuẩn quốc tế sẽ thu hút nhiều khách quốc tế, đặc biệt là những người ham thích môn này. Tại Việt Nam, mô hình này đang được đầu tư ở Phú Quốc, mảnh đất có nhiều lợi thế về khí hậu, cảnh quan, hạ tầng du lịch, khi có thêm dòng sản phảm đặc biệt này chắc chắn sẽ là nơi thu hút khách quốc tế, nhất là nhóm khách giàu có, kích thích nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong quá trình nhóm khách này lưu trú tại đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho khu vực.

PV: Ngoài nhu cầu vào casino, người tiêu dùng còn có nhu cầu mua sắm, giải trí. Do đó, nhiều ý kiến đánh giá, shophouse sẽ là một trong những sản phẩm thu hút sự quan tâm tại các khu vực nổi tiếng về du lịch. Ông có chung nhận định nào về sản phẩm này trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Đính: Hiện nay, trong quá trình phát triển kinh tế du lịch chúng ta mới chỉ đang phát triển hệ thống lưu trú, chưa phát triển hạ tầng thiết yếu đặc biệt là các khu mua sắm. Chúng ta đi du lịch nước ngoài rất dễ “vơi túi tiền” vì chúng ta thường lui tới các khu này. Trong khi đó, ở Việt Nam thiếu hẳn các khu mua sắm, do vậy khi thị trường hình thành dòng sản phẩm shophouse, chúng ta bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra hệ thống dịch vụ mua sắm. Tôi nghĩ rằng đó là hướng đi đúng.

Du lịch mà thiếu mua sắm thì không hấp dẫn, sẽ giảm đi sự phát triển của kinh tế du lịch và ngược lại. Do đó, tôi cho rằng sản phẩm này chắc chắn sẽ phù hợp và thu hút các nhà đầu tư tham gia. Trên thực tế, thị trường đã ghi nhận sự xuất hiện của shophouse tại các vùng có tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Quảng Ninh và đạt lượng tiêu thụ rất tốt, cho nên đây là sản phẩm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

An Vũ

Theo dulich.reatimes.vn