Bất động sản phản chiếu trình độ phát triển
Muốn biết một thành phố, một quốc gia có phát triển hay không, thịnh vượng thế nào cứ nhìn vào cách thành phố ấy được quy hoạch về hạ tầng giao thông, cảnh quan công viên, các công trình tiện ích, kiến trúc nhà cửa hay mật độ dân cư phân bố ra sao là có thể đánh giá được phần nào bộ mặt phát triển của thành phố.
Có lẽ không ít lần chúng ta chợt chạnh lòng khi thầm so sánh “ước gì” khi nhìn thấy các thành phố xinh đẹp ở các nước phát triển mà từng có dịp ghé qua.
Về mặt vị trí, khí hậu hay tài nguyên thiên nhiên Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia nào thế nhưng, chúng ta vẫn đi sau về việc quy hoạch đô thị và phát triển các sản phẩm bất động sản.
Sau bao nhiêu năm đổi mới từ những năm 90, chúng ta đã đạt được những bước tiến nhất định về kinh tế - xã hội. Theo đó, thị trường bất động sản đã có những bước chuyển mình rõ nét về cả quy mô lẫn chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế vẫn còn nhiều sự bất cập trong cách điều hành và quản lý khiến thị trường bất động sản tồn đọng nhiều yếu tố bất ổn và đầy rủi ro, phát triển chậm, chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống chính đáng của người dân.
Diện mạo các thành phố lớn vẫn phát triển manh mún, chưa đồng bộ. Hạ tầng giao thông quá tải, kết nối giao thông khu vực còn chưa thuận lợi. Chất lượng cuộc sống của người dân vì vậy còn ở mức khá thấp nếu nhìn ở bình diện chung.
Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, vẫn còn một khoảng cách rất xa so với sự phát triển của các quốc gia hàng đầu trong khu vực. Thế nên, việc xác định đúng vị thế Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ phát triển của thế giới sẽ trả lời cho câu hỏi chúng ta cần làm gì để nâng tầm quốc gia thông qua việc tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển thay vì cứ kìm nén và can thiệp không hợp lý tạo ra vô số rào cản và điểm nghẽn trong những năm vừa qua.
Bất động sản gắn liền với chất lượng cuộc sống
Tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ đánh giá tỷ lệ giữa các cấp độ về nhu cầu nhà ở hiện nay. Tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng miền và khu vực khác nhau. Ở những khu vực kém phát triển, tỷ lệ nhà ở thô sơ chiếm đa số cho thấy chất lượng cuộc sống người dân còn thấp. Ở những khu vực phát triển tình hình có cải thiện hơn nhưng tỷ lệ nhà cấp 4, nhà trong các khu vực hạ tầng giao thông kém, nhà ống nhỏ hẹp vẫn chiếm đa số.
Tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, mặc dù khoảng hơn 10 năm gần đây đã xuất hiện nhiều khu dân cư mới, khu quy hoạch đô thị mới khang trang hiện đại nhưng con số này so với tổng số nhà ở khu vực nội thành vẫn chiếm rất khiêm tốn chưa đến 10%. Khoảng 40 - 50% người dân sống ở điều kiện trung bình. Còn lại ít nhất 40% dân số vẫn phải sống trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Và như vậy còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng cuộc sống dành cho nhóm số đông dân cư.
Bên cạnh đó là công cuộc cải tạo bộ mặt các khu vực địa phương bao gồm các khu dân cư, khu đô thị hiện hữu, đồng thời cần hoạch định chiến lược dài hạn phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới ở vùng ven hay vùng vệ tinh đồng bộ, đạt chất lượng cao.
Nói như vậy để thấy sự phát triển của bất động sản gắn liền hết sức mật thiết với nhu cầu thiết yếu của người dân. Quyền được sống, được sinh hoạt trong một không gian đầy đủ tiện nghi, được đảm bảo sự an toàn, có tính thẩm mỹ và kiến trúc đẹp là nhu cầu chính đáng và cần được không ngừng nâng lên theo thời gian khi thu nhập và mức sống được nâng cao.
Bức tranh phát triển của bất động sản chính là hiện thực hóa sự phát triển kinh tế - xã hội trong một giai đoạn nào đó của một quốc gia. Không chỉ là giải pháp đảm bảo về an sinh, xã hội cho người dân mà còn là động lực quan trọng cho việc phát triển một cách hiệu quả cho nền kinh tế. Các tiêu chí phát triển cần phải được xây dựng một cách đầy đủ và toàn diện. Rõ ràng là chúng ta đang đi chậm và đi sau so với nhiều nước về mức sống, điều kiện sống, không gian sống cũng như các vấn đề bất cập về quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, có quá nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động đến thị trường bất động sản khiến cho việc phát triển của thị trường không lành mạnh và dễ bị biến động một cách không lường trước được. Tâm lý bất an và rủi ro cao đặc biệt liên quan đến pháp lý bất động sản và sự ổn định của thị trường tạo nên rào cản rất lớn ảnh hưởng đến quyết định và hiệu quả đầu tư.
Trong dài hạn, thị trường bất động sản vẫn luôn tiềm năng và có dư địa tăng trưởng cao. Tuy nhiên, điều cần cải thiện là tính phát triển bền vững của thị trường, hạn chế các tác động không đáng có làm thay đổi thị trường trong ngắn hạn.
Hiểu rõ vai trò và đánh giá đúng vị thế của bất động sản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ thay đổi được góc nhìn và quyết tâm phát triển nó đúng tầm và khơi thông nguồn lực phát triển hiệu quả. Chính vì vậy, cần phải có các giải pháp cấp thiết tạo động lực để thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, đạt được các mục tiêu mong đợi của người dân và Chính phủ. Hơn thế nữa là sự góp phần thay đổi diện mạo của các địa phương và của đất nước trong tương lai.
*Tổng giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương
Nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-la-bo-mat-phat-trien-cua-quoc-gia-20201224000003761.html?fbclid=IwAR0Mc9IbBVplO1_HooDIoz7EhcMoBQtBnC02kaWY9QeCc2q9NFvis125fIQ