Mỹ: 178 giáo viên nhận án phạt vì sửa bài thi
Theo đó, vụ bê bối bắt đầu vào năm 2009 khi tờ Atlanta Journal-Constitution công bố báo cáo phân tích các kết quả các bài kiểm tra có điểm hoặc thấp bất thường trong một năm, hé lộ nhiều nghi vấn. Một cuộc điều tra vào tháng 7/2011 cho thấy 44 trong tổng số 56 trường của bang đã gian lận trong bài kiểm tra năm 2009. Tổng cộng 178 giáo viên, trong đó có 38 hiệu trưởng đã bị phát hiện sửa các câu trả lời sai của học sinh.
Các nhà điều tra kết luận rằng, đây là hành vi sai trái có tổ chức và hệ thống. Việc sửa bài thi của các học sinh được xem là nhằm nâng điểm kiểm tra và “thổi phồng” thành tích của các trường. Quy mô của nó đã được mô tả là một trong những vụ bê bối giáo dục lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Anh: Tuồn đề thi cho sinh viên, Phó Hiệu trưởng bị sa thải
Tại Anh, 2 trường công lập hàng đầu là Winchester College và Eton College hồi năm ngoái đã vướng vào bê bối gian lận thi cử khi tuồn đề thi trước cho học sinh.
Winchester College đã đình chỉ người đứng đầu Khoa lịch sử nghệ thuật sau khi có cáo buộc vị giáo sư này tiết lộ cho học sinh của mình về các câu hỏi của hai đề thi.
Trường này cũng xác nhận, kết quả của 2 bài thi của khoảng 13 học sinh bị vô hiệu hóa và điểm số sẽ được ước tính dựa trên kết quả các kỳ thi trước đó.
Trong khi đó, Eton College cũng sa thải Phó Hiệu trưởng, ông Mo Tanweer, sau cáo buộc rằng ông đã chia sẻ thông tin bí mật về đề thi môn Kinh tế.
Bê bối của trường Winchester bị đưa ra ánh sáng sau khi một nữ sinh tại Downe House thông báo cho giáo viên của mình rằng các học sinh của trường Winchester đã thảo luận trên mạng về nội dung của kỳ thi sắp tới.
Theo một thống kê của tờ Sunday Times, hàng nghìn giáo viên Anh đã bị phát hiện gian lận để cố gắng cải thiện kết quả kiểm tra của học sinh. Gần 2.300 vụ gian lận được thực hiện bởi các nhân viên trong các cơ sở giáo dục cung cấp các kỳ thi từ năm 2012 đến năm 2016. Hơn một nửa số giáo viên bị cáo buộc cung cấp "hỗ trợ không đúng" cho các sinh viên tham gia kỳ thi.
Ấn Độ: Làm giàu nhờ mùa thi
Tình trạng gian lận trong thi cử ở Ấn Độ phổ biến đến mức khi các học sinh bước vào kỳ thi cũng là lúc đường dây gian lận này hoạt động kiếm lời.
Mùa thi hàng năm của Ấn Độ luôn là sự kiện thu hút quan tâm của dư luận trong nước với hàng chục triệu học sinh tham gia, nỗ lực không ngừng để tìm một vị trí đầy cạnh tranh tại các trường đại học Ấn Độ.
Vài phút sau khi kỳ thi Toán năm cuối ở trường trung học Delhi bắt đầu, Raghav đã xin phép giám thị ra ngoài đi vệ sinh và gửi đề bài ra ngoài. Chỉ vài phút sau, câu trả lời được gửi tới số điện thoại của Raghav. Bà Sunita, mẹ của Raghav đã trả 16.000 rupee (gần 250 USD) cho con trai mình để có được số điện thoại này.
Bà Sunita đã tiếp xúc với “mafia thi cử” của Ấn Độ thông qua trung tâm luyện thi vào cuối năm ngoái.
Các gia sư tư nhân cung cấp liên lạc để người ở bên ngoài có thể gửi cho Raghav đáp án của bài thi. Cả người mua và người bán đáp án đều không biết danh tính thật của nhau. Bà Sunita đã cùng đăng ký với 4 - 5 gia đình khác. "Việc này rất phổ biến", bà nói.
Hồi đầu tháng 4 năm nay, trong vụ vi phạm mới nhất, đề thi trung học đã bị rò rỉ qua WhatsApp khoảng 90 phút trước khi kiểm tra. Hơn 2,8 triệu sinh viên ở Delhi và các khu vực xung quanh đã được lệnh phải làm lại các kỳ thi vào cuối tháng 4.
Gian lận tại các kỳ thi ở Ấn Độ đã trở nên thường xuyên, có tổ chức và tinh vi. Tại Bihar, một trong những bang nghèo nhất trong cả nước, hơn 1.000 sinh viên từng bị đuổi học vì gian lận vào tháng 2.
Năm 2015, Bihar đã trở thành “điểm nóng” khi các đoạn video xuất hiện cho thấy các phụ huynh trèo lên một tòa nhà 5 tầng để đưa câu trả lời cho con mình đang tham gia kỳ thi bên trong. Năm nay, để đảm bảo tính xác thực, bang này đã lắp đặt camera theo dõi trong các phòng thi và yêu cầu các học sinh bỏ giày và tất ở ngoài để tránh trường hợp giấu tài liệu trong giày.
Yamini Aiyar, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chính sách cho rằng, áp lực để kiếm được tấm bằng đại học nhưng thiếu quan tâm về chất lượng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong thi cử tại Ấn Độ.
Ngoài ra, việc đo lường sự thành công dựa trên tỷ lệ phần trăm học sinh vượt qua kỳ thi cũng khiến các trường học và quan chức giáo dục hoặc hỗ trợ hoặc “phớt lờ” gian lận.