PGS.TS Trần Đình Hà, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Bệnh viện Bạch Mai phương pháp miễn dịch trị liệu ung thư đã được áp dụng với các thuốc kháng thể đơn dòng ức chế các thụ thể PD-1 hoặc PD-L1 đang nghiên cứu và sẽ đưa vào ứng dụng liệu pháp miễn dịch tế bào với Lympho T (CAR-T cell) trong điều trị ung thư.

Trong liệu pháp này, bệnh nhân được lấy máu, tách tế bào T (những tế bào miễn dịch tìm và diệt tế bào ung thư), sau đó lựa chọn, nuôi cấy, kích hoạt nó đưa trở về cơ thể, biến nó thành “tế bào thiện chiến” tiêu diệt tế bào ung thư… Đây là hướng đi mà thế giới đã công nhận và đang tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị ung thư ở người.

Còn tại Bệnh viện K, TS. Đào Văn Tú, Phó khoa Điều trị theo yêu cầu cho biết, Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng từ 3-4 năm trước, áp dụng trong điều trị từ cuối năm 2017 đến nay được khoảng 30-50 bệnh nhân. Bước đầu trên từng cá thể có thể khẳng định đem lại hiệu quả nhiều, ở giai đoạn muộn giúp giảm kích thước khối u, giảm số lượng tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của bệnh.

Mặc dù, triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị là rất lớn, tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư nhưng không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u.

“Thuốc có hiệu quả trị với một số loại ung thư, ở một số giai đoạn. Thời gian sống thêm kéo dài nhiều, trước những bệnh nhân bị u hắc tố sống vài tháng khi di căn thì nay có thể sống vài năm. Đây đã là điều rất ngoạn mục”, TS. Đào Văn Tú chia sẻ.

Empty

Cơ chế của liệu pháp ức chế chốt kiểm miễn dịch

TS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, có rất nhiều gene tham gia quá trình sinh ung thư nên bất kỳ thuốc nào cũng chỉ “đánh” vào một vài gene, một vài điểm nên phải kết hợp nhiều phương pháp, uống nhiều loại thuốc. Cốt lõi vẫn là phòng bệnh, trong quá trình điều trị không quên các phương pháp kinh điển đã áp dụng nhiều năm. Liệu pháp miễn dịch được áp dụng trong những trường hợp các phương pháp kinh điển không có tác dụng.

Đây không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư qua đó giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Hơn nữa trong điều trị ung thư, tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công.

Empty

TS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K

Ths. Phạm Tuấn Anh, Phó khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho biết: Khái niệm điều trị miễn dịch rất đơn giản là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư. Phương thức điều trị miễn dịch này đã được áp dụng tại Bệnh viện K và một số cơ sở chuyên khoa ung thư trên cả nước trong những năm gần đây. Các thuốc tác động này vào “phanh” của hệ thống miễn dịch, giúp hệ thống này hoạt động lại để chống tế bào ung thư.

Ở Việt Nam, Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện. Tuy nhiên chi phí cho một chu kì điều trị lớn, khoảng 60-120 triệu đồng và chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đánh giá, con người đang có một bước nhảy lớn trong công cuộc chăm sóc người bệnh ung thư. Thành công của liệu pháp miễn dịch mở ra nhiều hy vọng mới, giúp kho vũ khí điều trị ung thư ngày càng phong phú, với nhiều gam màu tươi sáng hơn. Mỗi bệnh nhân sẽ có những chỉ định phù hợp, lựa chọn phối hợp với những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích... để có kết quả tốt nhất.

Theo Giadinhvietnam.com