Du lịch là mũi nhọn

Du lịch từ lâu đã trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của Bình Thuận. Kể từ khi được du khách quốc tế biết đến nhờ hiện tượng nhật thực toàn phần ở Mũi Né vào năm 1995, Bình Thuận đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư du lịch. Hàng chục khu nghỉ dưỡng đã được xây dựng dọc theo bờ biển Mũi Né, biến nơi này thành “thủ đô resort” của cả nước.

Tuy nhiên, phần lớn các khu du lịch đều có quy mô nhỏ, việc phát triển du lịch mang nặng tính tự phát và xung đột với quy hoạch khai thác khoáng sản. Chính vì thế, sau một thời gian phát triển nóng, đầu tư vào du lịch Bình Thuận chững lại, thậm chí có thời điểm địa phương này hầu như không còn xuất hiện trên bản đồ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vốn bùng nổ mạnh mẽ trong mấy năm qua.

Mặc dù vậy, không vì thế mà Bình Thuận mất đi sức hút. Nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận sở hữu bờ biển dài 192km với nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu nắng ấm và văn hoá Chăm giàu bản sắc.

Du lịch từ lâu đã trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của Bình Thuận.

Một vài năm trở lại đây, Bình Thuận trở lại trên "đường đua du lịch". Năm 2018, Bình Thuận thu hút 5,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 12.864 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017. Lượng khách và doanh thu du lịch tăng trưởng hai con số là những yếu tố khiến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí thể thao biển luôn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Cơ sở hạ tầng kết nối Bình Thuận với khu vực cũng đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Trong đó, 2 dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã giải phóng mặt bằng được gần 50%. Trong năm nay, tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý IV/2020 sẽ khởi công dự án.

Theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn. Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BOT theo chủ trương của Chính phủ.

Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Hội, Hải Phòng… vào tới “thủ đô resort” cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.

Song song với đó, sự kiện thông xe cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là cơ sở đưa nền kinh tế Bình Thuận, mà đặc biệt là bất động sản khởi sắc. Năm 2019, Bình Thuận chính thức trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản biển, trong đó Phan Thiết, Mũi Né hay Lagi là những địa danh “hưởng trọn” nguồn lợi từ sự bứt phá hạ tầng này…

Tỉnh kêu gọi đầu tư nhiều dự án

Với những thế mạnh về du lịch và hạ tầng, tại Bình Thuận gần đây xuất hiện nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng mới, để từng bước lấy lại danh hiệu “thủ phủ resort”. Một số dự án nổi bật có thể kể đến như Edna Resort Mũi Né, Sentosa Villa, Hàm Tiến - Mũi Né, Apec Mandala Wyndham… 

Và đặc biệt là 2 dự án của Tập đoàn Novaland phát triển bao gồm Tổ hợp Du lịch Nghỉ dưỡng Giải trí NovaWorld Phan Thiet (quy mô gần 1.000 ha với các sản phẩm second home nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại… với tầm nhìn hướng biển) và dự án NovaHills Mũi Né Resort & Villas (gần 40 ha, gồm khoảng 600 biệt thự đơn lập)…

Ven biển Bình Thuận đang có tiềm năng rất lớn, như một viên ngọc thô chưa được mài giũa

Các chuyên gia bất động sản cho rằng xét về phương diện mức giá đầu tư thì hiện tại, một số khu vực ven biển Bình Thuận rõ ràng đang có tiềm năng rất lớn, như một viên ngọc thô chưa được mài giũa. Cùng với sự xuất hiện các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, giá đất Bình Thuận cũng đang “leo dốc”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng loạt dự án đình đám của các nhà phát triển bất động sản khác tại Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né, Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né, Hamubay Phan Thiết, The Queen Pearl,… đang chào bán với giá dao động 11 - 20 triệu đồng/m². Trong khi cách đây khoảng 3 năm, giá đất ở khu vực ven biển này chỉ ở mức 5 - 6 triệu đồng/m².

Theo cổng thông tin UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 22/9 tới đây tại TP. Phan Thiết sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2019 với chủ đề "Kết nối tiềm lực - Phát triển bền vững”. Hội nghị có mục tiêu giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Thuận; thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Tỉnh xác định, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án trong một số lĩnh vực trụ cột như: du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư.

Trong đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia; phát triển thương hiệu du lịch “Hàm Tiến - Mũi Né”; ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện đảo Phú Quý đảm bảo các tiêu chí về thân thiện môi trường…

Ngoài ra, Bình Thuận cũng chú trọng kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và lĩnh vực nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Reatimes.vn