Cụ thể, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học cho biết tiếng Anh là môn tự chọn và sách tiếng Anh có đặc thù là sách học tiếng bản ngữ. "Vì vậy khi biên soạn chương trình tổng thể, chương trình môn tiếng Anh cũng như khi biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh, các tác giả tham khảo nguồn học liệu của rất nhiều nhà xuất bản, tác giả nổi tiếng ở nước ngoài nhằm kế thừa những cái hay", ông Tài nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tài cũng nói thêm, trong quá trình hợp tác biên soạn, tâm lý của các tác giả, nhà xuất bản là rất muốn có tính hội nhập nên đề nghị tác giả có thể là người nước ngoài. Bộ GD-ĐT phải đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý, tham vấn rất nhiều, cuối cùng quyết định chỉ công bố sách giáo khoa có tác giả là người Việt. Bộ không đồng ý sách có người nước ngoài tham gia biên soạn.
Tác giả, nhà xuất bản có thể tham khảo tài liệu có liên quan đến tính pháp lý và sở hữu bản quyền của nhà xuất bản khác, nhưng yếu tố tham khảo phải dẫn nguồn đúng như thông lệ quốc tế. Ví dụ, cuốn sách tham khảo nguồn tài liệu có bản quyền thuộc Nhà xuất bản Oxford thì phải trích dẫn đầy đủ. Còn theo luật pháp Việt Nam, tác giả nguyên bản đó không được quyền đứng tên.
Ông Tài khẳng định vì lý do trên nên thời gian qua Bộ GD-ĐT đã phải thận trọng để tránh những tranh chấp về mặt bản quyền. Hiện các sách giáo khoa tiếng Anh đã được "Việt hóa" bởi tác giả người Việt. Vụ Giáo dục tiểu học đang hoàn thiện hồ sơ để trình trước Tết Nguyên đán.