Thưa Bộ trưởng, là cơ quan được Chính phủ giao xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, xin ông cho biết kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023?
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội được đưa ra thảo luận tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối năm 2021. Trước đó, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện dự thảo chương trình trình Chính phủ, tập trung vào các nhóm trọng tâm: Tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc mở cửa sẽ chắc chắn, an toàn, có lộ trình và phù hợp với chiến lược chống dịch và khả năng tiêm vắc xin cũng như nguồn cung thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động. Hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, gồm có hỗ trợ sức chống chịu đặc biệt ở một số lĩnh vực bị tác động mạnh. Phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP; đẩy mạnh đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm quốc gia. Tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; có chính sách quản trị rủi ro, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, để việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, có 3 vấn đề cần chú ý: cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và nguồn lực giá rẻ. Về cơ chế, chính sách, chúng ta có nhiều nỗ lực, đổi mới luật. Tín dụng hỗ trợ vay lãi suất thấp, giải pháp giãn, hoãn, điều chỉnh thời gian trả nợ đã có, tuy nhiên đây mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là doanh nghiệp phải có thị trường, bởi dù có vốn, cơ chế thoáng, nhưng sản xuất ra không bán được thì chịu.
Đối với Việt Nam, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.
Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế phải đảm bảo sự phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn với dịch bệnh, phải đảm bảo sự chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong mọi điều kiện của dịch bệnh. Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu. Bên cạnh đó là đảm bảo an sinh xã hội của người dân, người nghèo, các đối tượng yếu thế.
Thưa ông, kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ kinh tế trên thế giới như thế nào?
Với các nước trên thế giới, các gói hỗ trợ đưa ra rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công... qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh. Tiêu biểu như, công tác đầu tư công của các nước để nhanh chóng khôi phục sau khi dịch COVID-19 được khống chế tại Mỹ và một số quốc gia. Theo IMF, tăng trưởng GDP của Mỹ tăng tới 27,9% trong khi chấp nhận tăng nợ công thêm 21%, đẩy tỷ lệ nợ công của nước này lên 133% GDP. Trong khi đó, Trung Quốc có mức tăng trưởng 6,1% GDP; đồng thời tăng nợ công thêm 9,7%, đẩy tỷ lệ nợ công tương ứng 66,8% GDP… Đồng thời, các quốc gia cũng tăng mạnh đầu tư cho hạ tầng.
Về tài khóa, các nước đều tăng cho y tế, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cấp phát tiền mặt, miễn giảm thuế phí đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đầu tư cho hạ tầng... Về tín dụng, nhìn chung các nước hỗ trợ lãi suất, nới lỏng quy định cho vay. Hỗ trợ dòng tiền cho các lĩnh vực được ưu tiên để giúp kinh tế nhanh chóng phục hồi và duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn.
Tránh “vết xe đổ”
Việt Nam từng có gói kích cầu đầu tư giai đoạn 2008 - 2009 nhưng được đánh giá chưa hiệu quả, trong quá trình sắp tới, Bộ KH&ĐT đề xuất gì để tránh vết xe đổ của gói hỗ trợ trước đây?
Trong quá trình xây dựng chính sách, chúng tôi đã thẳng thắn nhìn vào kết quả đạt được và những bất cập của gói kích cầu đầu tư những năm 2008-2009 để từ đó không vấp phải một lần nữa.
Quy mô khi đó nước ta dành ra 122 nghìn tỉ đồng tương ứng với 6,9 tỉ USD. Riêng năm 2009, trong số 122 nghìn tỉ đồng đó, chúng ta đã tập trung thực hiện 100,6 nghìn tỉ đồng tương ứng với 5,7 tỉ USD và tương ứng với 5,6 % GDP lúc đó (khoảng 100 tỷ USD). Các kết quả tích cực đã giúp đất nước vượt qua được khủng hoảng và là một trong số ít những nước có tăng trưởng dương. Năm 2008, chúng ta tăng trưởng 5,7%, vào năm 2009 chúng ta tăng trưởng 5,4%.
Dù tác động của gói kích thích năm 2009 giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đạt được mức tăng trưởng dương vào thời điểm đó, nhưng cũng để lại những hệ lụy lớn khi chính sách thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát. Mục tiêu của gói chính sách đó là kích cầu đầu tư, sản xuất, an sinh xã hội, nhưng không kiểm soát tốt, thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nên khi hỗ trợ lãi suất lớn, tiền không chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, bất động sản… Hậu quả là lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô.
Năm 2010, lạm phát của chúng ta là 9,2% còn năm 2011 là 18,6%.
Việc đầu tư dẫn đến dàn trải, nợ đọng, lãng phí, đình hoãn và nhiều dự án đến năm 2011 chúng ta dừng lại và cho đến nay không giải quyết được hậu quả. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được và để lại các hệ lụy rất lớn. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của chúng ta thiếu sự chặt chẽ...
Chính vì vậy, gói kích thích kinh tế giai đoạn tới phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, bảo đảm ổn định. Hỗ trợ thì phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi. Hỗ trợ cho dòng tiền và ổn định tài chính và huy động các nguồn lực quốc tế khác. Đặc biệt là phải có kiểm soát rủi ro, có giám sát chặt chẽ trong thực hiện.
Chúng ta phải có chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế với quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay-trả và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Bây giờ chúng ta giải ngân đầu tư công còn chưa hết, vậy sắp tới có gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022 - 2023. Đây là một thách thức đang đặt ra.
“Chúng tôi đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm để không lặp lại, làm cơ sở cho nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tới đây. Đó là, cần chương trình tổng thể, quy mô đủ lớn, tính đến khả năng vay trả và hấp thu của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa-tiền tệ, mục tiêu hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp; đặc biệt cần quan tâm công tác kiểm soát rủi ro, giám sát thực hiện chặt chẽ các gói hỗ trợ”.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bo-truong-bo-khdt-giam-sat-chat-goi-kich-thich-kinh-te-63864.html