Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) Bộ Xây dựng đưa ra phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất hai phương án. Phương án một, thời hạn sở hữu chung cư theo quy định của pháp luật đất đai. Phương án hai, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư được xác định cùng thời hạn sử dụng của công trình theo pháp luật về xây dựng (niên hạn công trình). Theo phương án này, chung cư sẽ được sở hữu có thời hạn như tùy theo thiết kế công trình hoặc theo thực tế sử dụng, theo dự án của từng loại nhà chung cư mà quy định có thời hạn sở hữu như 50 năm, 70 năm… (ví dụ 50 năm với công trình cấp II).
Được biết, pháp luật về nhà ở chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư. Theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành thì thời hạn sử dụng của công trình xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế .
Khi hết thời hạn sử dụng, chủ sở hữu công trình phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền và dự kiến phương án xử lý (như gia cố để tiếp tục được sử dụng hoặc phải phá dỡ công trình…). Theo quy định của pháp luật về dân sự thì quyền sở hữu tài sản chấm dứt khi tài sản bị tiêu hủy, như vậy trường hợp nhà ở bị phá dỡ do hết thời hạn sử dụng thì quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu cũng chấm dứt (tài sản nhà ở không còn).
Bộ Xây dựng đánh giá, quyền sử dụng đất thì sử dụng lâu dài, nhưng đối với tài sản trên đất là công trình xây dựng, nhà ở lại có thời hạn sử dụng (không thể lâu dài ổn định). Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.
Trước đó, cũng theo Bộ Xây dựng, trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ vừa qua (đối với các nhà chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1994) đã cho thấy sự khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi, di dời, việc phá dỡ nhà chung cư bị kéo dài, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng lớn tới công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Căn cứ tình hình thực tế hiện nay cho thấy, trong thời gian tới cũng cần phải quan tâm đến các chung cư được xây dựng từ khi có Luật Nhà ở 2005 trở lại đây để có các quy định phù hợp, để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước thực hiện việc thu hồi, phá dỡ, xây dựng lại chung cư, tránh tình trạng lặp lại các tồn tại trong thời gian vừa qua như đối với loại hình chung cư cũ. Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng, việc nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là hết sức cần thiết.
Hiện nay có hai dạng căn hộ: Căn hộ sở hữu lâu dài và căn hộ có thời hạn sở hữu chỉ 50 năm, 70 năm. Khi dự án hết niên hạn, chung cư cũ hỏng không đạt chất lượng quy định an toàn của Nhà nước sẽ được yêu cầu xây mới để tái định cư tại chỗ hoặc tái định cư nơi khác.
Tuy mức giá căn hộ xây mới sẽ dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm đó nhưng người sở hữu vẫn còn quyền lợi của mình trong dự án. Với các căn hộ sở hữu 50 năm, người mua sẽ không được hưởng lợi ích, bồi thường giải tỏa.
Trong khi đó, Điều 126 Luật Đất đai quy định, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức thực hiện dự án được xem xét quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm. Với dự án lớn thu hồi vốn chậm hoặc đầu tư tại địa bàn kinh tế khó khăn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.
Đối với trường hợp xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê, thuê mua thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư xác định theo thời hạn dự án, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-xay-dung-de-xuat-can-ho-chung-cu-so-huu-50-nam-20201231000006213.html