Người bệnh chờ làm xét nghiệm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: TTXVN

Người bệnh chờ làm xét nghiệm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. 

Cụ thể theo công văn số 2401 ngày 4/5/2019, do Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký đã cho rằng Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp, đến thời điểm này đã có nhiều tỉnh thành phố trong cả nước ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo hướng dẫn của Thông tư này.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố đã có Nghị quyết Hội đồng nhân dân về việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế theo mức giá quy định tại Thông tư 37 đó là: Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Hưng Yên, Đồng Tháp và thành phố Hà Nội.

Thông tư số 37/2018/TT-BYT có số lượng dịch vụ tăng giá nhiều hơn số lượng dịch vụ giảm giá. Tuy nhiên, các dịch vụ tăng giá có mức tăng rất thấp, trong khi các dịch vụ giảm giá chỉ có mức giảm sâu hơn và tỷ lệ sử dụng dịch vụ nhiều hơn.

 Hiện nay,  việc thực hiện mức giá theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa tham gia Bảo hiểm Y tế và làm giảm CPI tại nhiều tỉnh.

Tuy nhiên, để tránh tác động đến tâm lý người dân trong bối cảnh điểu chỉnh tăng giá xăng dầu và điện thời gian qua, Bộ Y tế đề nghị các địa phương (chưa có Nghị quyết Hội đồng nhân dân về điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư 37) tạm thời dừng chưa quyết định điều chỉnh mức giá để chờ thời điểm phù hợp.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu được chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ y tế là nhằm xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước.

Theo congluan.vn