Thị trường trái phiếu cần được xem là "máu" của nền kinh tế thị trường

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới.

Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác khá hạn chế khi chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền với 1.800 tỷ đồng.

Có thể thấy, từ sự bùng nổ và gia tăng trong năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Những rủi ro đầu tư và pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN) được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự trầm lắng của thị trường. 

Song, trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng… cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” sáng 13/9, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30 - 35%/năm. Trong khoảng 2 năm tới, khối lượng trái phiếu sẽ tăng lên gấp đôi, khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ đồng, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ đồng. Đây sẽ là con số gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng luôn tìm kiếm để phục vụ cho vay trung dài hạn.

Theo ông Nghĩa, sự tăng trưởng này là sự phát triển rất tích cực, đáng ghi nhận và là điều chúng ta luôn kỳ vọng trong tương lai. Tuy nhiên, trong suốt 4 tháng nay, thị trường này đang rơi vào trầm lắng với những khoảng trống kéo dài, chứng tỏ, trái phiếu chưa thực sự được coi trọng đúng với vai trò và vị thế của nó.

Trái phiếu doanh nghiệp cần được quan tâm và tạo điều kiện phát triển như một kênh huy động vốn quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc lớn mạnh. (Ảnh minh hoạ)
Trái phiếu doanh nghiệp cần được quan tâm và tạo điều kiện phát triển như một kênh huy động vốn quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc lớn mạnh. (Ảnh minh hoạ)

“Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là “máu” của nền kinh tế thị trường. Có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành nên thị trường này chưa được chú trọng, quan tâm để phát triển dài hạn”, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá. 

Có cùng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế sẽ hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế thông qua kênh chứng khoán, trái phiếu… Tuy nhiên, sự kỳ vọng này ở Việt Nam chưa đáp ứng được. 

"Có thể thấy ở các nước, kênh vốn chủ yếu đến từ thị trường vốn nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thị trường vốn Việt Nam phát triển khá mạnh trong 5 năm gần đây nhưng vẫn còn non trẻ. Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam. Cần phải làm sao để nguồn vốn của người dân trực tiếp tham gia vào quá trình huy động vốn chứ không phải qua kênh tiết kiệm ngân hàng", ông Lộc nhận định.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, TPDN là thị trường còn khá mới ở Việt Nam nên việc chưa hoàn thiện và gặp rủi ro là có thể xảy ra nhưng không vì thế mà kiểm soát khiến thị trường này bị đẩy vào trạng thái trầm lắng hay khủng hoảng. 

“Tôi rất ấn tượng với câu nói của Thủ tướng trong cuộc họp mới đây. Thủ tướng nói rằng, rủi ro và khủng hoảng là cái đương nhiên của thị trường. Điều này có nghĩa, bất kỳ thị trường nào cũng có rủi ro và trái phiếu cũng vậy. Do đó, thay vì kìm hãm nó, thì hãy hoàn thiện nó để biến trái phiếu doanh nghiệp là một môi trường đầu tư như kỳ vọng”, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư là giải pháp quan trọng

Bàn luận về giải pháp giúp hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng thị trường trở thành một kênh huy động vốn tiềm năng, phát huy tốt khả năng của mình song vẫn đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trong dài hạn, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan và tạo dựng được niềm tin trong nhà đầu tư. 

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, có 2 cách tiếp cận về niềm tin của khách hàng. Cách cổ điển là xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Làm theo cách này sẽ hạn chế rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro. Do đó còn có một cách tiếp cận khác là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Mỗi nhà đầu tư có "khẩu vị" khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, vì vậy, cần có các công cụ khác nhau.

“Nhiều người nói phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm để lấy niềm tin, vậy niềm tin đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra?

Theo tôi, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo rằng, rủi ro ít thì họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… Thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Và để làm được điều này, trách nhiệm quan trọng thuộc về cơ quan Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật và niềm tin cho nhà đầu tư”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nêu quan điểm. 

Nói đến xây dựng niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN, ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường trái phiếu tại Việt Nam phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng.

Hiện nay, đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm uy tín trên toàn cầu và đặc biệt là trong khu vực châu Á. Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công thì cần phải học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trên thế giới. Những doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm thế giới có kinh nghiệm tốt và được làm việc tại những thị trường phát triển. Những đơn vị này có thể đem đến các cách thức và tiêu chuẩn hạng tốt nhất, đặc biệt là những kinh nghiệm và quản trị.

Theo ông Don Lambert, xếp hạng chính là ý kiến và cần đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến hay tác động từ bên ngoài.

Trong môi trường xếp hạng tín nhiệm chặt chẽ, các nhà đầu tư có thể hy sinh lợi nhuận để có xếp hạng tín nhiệm. Còn với những thị trường không có xếp hạng tín nhiệm thì cần các quy định pháp luật nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm cũng có chi phí khá đắt đỏ như chi phí kế toán, chi phí kiểm định… và các chi phí này có thể lên tới hàng chục nghìn USD.

Ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam
Ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

“Trong thời gian vừa qua, Việt Nam chủ yếu chứng kiến các đợt phát hành riêng lẻ và 95% các đợt chào bán trên thị trường trái phiếu là phát hành riêng lẻ. Nhưng nếu bắt buộc các doanh nghiệp phải xếp hạng thì chẳng ai chịu xếp hạng cả”, ông Don Lambert nhìn nhận. Vì vậy, theo chuyên gia, Việt Nam nên nhìn sang các nước trong khu vực xem họ xếp hạng như thế nào để rút ra những bài học và kinh nghiệm cho mình. 

“Có thể thấy, tại Việt Nam, các nhà đầu tư rót tiền vào trái phiếu do doanh nghiệp phát hành rất ít, chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu do các ngân hàng phát hành, trong khi nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn và phản ánh khá rõ qua sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Vì vậy, Việt Nam rất cần đến đơn vị xếp hạng tín nhiệm với các yêu cầu bắt buộc. Cùng với đó, cần có những doanh nghiệp làm theo yêu cầu này để làm ví dụ cho thị trường”, ông Don Lambert đề xuất.

Dưới góc độ pháp lý, nhằm đưa ra các giải pháp giúp hoàn thiện thị trường TPDN, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law đề xuất, trước mắt cần hoàn thiện lại Nghị định 153 theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu thắt chặt quản lý của cơ quan Nhà nước mà còn hướng tới phục vụ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu. 

Theo luật sư Hà, hiện nay dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153 còn nhiều quy định thắt chặt hơn, đẩy những nhà phát hành rơi vào thế tương đối khó khăn. Ví dụ như không được huy động vốn phát hành trái phiếu đầu tư cổ phần. Điều này là hoàn toàn không phù hợp với những quản trị công ty mẹ, công ty con ở các tập đoàn tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Ngoài ra, luật sư Hà cũng nhìn nhận, các quy định pháp luật liên quan đến việc phát hành trái phiếu tại nước ta còn nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp lách luật. 

Ví dụ, có quy định nhà đầu tư chứng khoán phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, số lượng lớn nhà đầu tư là cán bộ hưu trí, nhà kinh doanh nhỏ lẻ có tiền muốn tham gia thị trường vì lãi suất cao. Họ có nhiều cách để lách, vì hiện nay các công ty chứng khoán có thể biến họ từ nhà đầu tư không chuyên thành chuyên với chi phí chỉ khoảng từ 4 - 6 triệu đồng, hoặc có tổ chức nhận toàn bộ lượng phát hành, ký hợp đồng hợp tác đầu tư để lách luật. 

“Vì vậy, văn bản quy phạm pháp luật cần lường trước được để làm sao điều chỉnh các tổ chức phát hành, người tham gia, dù tương đối khó nhưng vẫn phải tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, chúng ta phải điều chỉnh trong trường hợp quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước hủy phát hành trái phiếu hay trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp bị cơ quan tư pháp điều tra thì cần xử lý như thế nào? Và mục tiêu quan trọng là cần bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư ra sao?”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói./.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/can-thiet-han-gan-nhung-khoang-trong-cua-thi-truong-tpdn-20201224000014451.html